Hào hùng “Khúc tráng ca thành Gia Định”

Tối 27-1, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sáng đèn đêm diễn ra mắt vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
NSƯT Lê Tứ (vai Tổng đốc Võ Duy Ninh) và NSƯT Lê Hồng Thắm (vai Đào Thị Thạnh, vợ Tổng đốc) trong vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định". Ảnh: THÚY BÌNH
NSƯT Lê Tứ (vai Tổng đốc Võ Duy Ninh) và NSƯT Lê Hồng Thắm (vai Đào Thị Thạnh, vợ Tổng đốc) trong vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định". Ảnh: THÚY BÌNH

Vở có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Thy Trang, NS Trọng Nghĩa, Điền Trung, Hoàng Hải, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Mẹo, Hoài Nam, Hiền Linh…

dsc06890-94.jpg
NSƯT Lê Tứ (vai danh tướng Nguyễn Tri Phương) và NS Điền Trung (vai danh tướng Phạm Thế Hiển). Ảnh: THÚY BÌNH

Nội dung vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định nói về cuộc đấu tranh dũng cảm của người dân Gia Định và tấm gương hy sinh oanh liệt của Tổng đốc Võ Duy Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1859.

Kịch bản đã khái quát quá trình hình thành vùng đất Gia Định và tái hiện trận chiến Gia Định thành giữa quân ta - đứng đầu là vị tổng đốc Võ Duy Ninh, với quân xâm lược Pháp và Tây Ban Nha.

dsc06984-8097.jpg
Thời loạn lạc binh đao khói lửa, các nữ sĩ ngày ngày nỗ lực rèn tập võ thuật, luyện kiếm, chờ ngày cùng quân binh triều đình chống giặc ngoại xâm. Ảnh: THÚY BÌNH

Cụ thể, vào năm 1858, khi liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, để mở đường cho cuộc chiến tranh xâm lược Đại Nam, thì triều đình nhà Nguyễn dưới sự trị vì của vua Tự Đức vấp phải sự lúng túng, vì thời điểm này, vũ khí của phương Tây vô cùng tối tân, trong khi đó, vũ khí cũng như binh lực của Đại Nam vẫn còn thô sơ, lạc hậu.

Tuy nhiên, với sự tài tình trong chiến thuật đấu tranh của các đại danh thần Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bị cầm chân tại Đà Nẵng.

dsc07026-7194.jpg
dsc07090-2.jpg
Tổng đốc Võ Duy Ninh chỉ huy binh sĩ và nhân dân chống giặc, bảo vệ thành Gia Định. Ảnh: THÚY BÌNH

Với quyết tâm xâm lược cho bằng được Đại Việt, liên quân Pháp – Tây Ban Nha dưới sự chỉ đạo của Đô đốc Genouilly, đã nổ súng tấn công thành Gia Định vào giữa tháng 2-1959. Binh sĩ ở thành Gia Định dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Võ Duy Ninh đã kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhưng do tương quan lực lượng cũng như vũ khí, chỉ 2 ngày sau, 17-2-1859, thành Gia Định thất thủ.

Tiếp sau đó, nhiều dũng tướng của Đại Nam kế thừa tinh thần đấu tranh dũng cảm của Tổng đốc Võ Duy Ninh, đứng lên lãnh đạo quân binh và nhân dân kháng Pháp, trong đó có đại danh tướng Nguyễn Tri Phương, ông đã xây dựng đồn Chí Hòa và đã giành được thắng lợi trong một số trận, điển hình là trận Đồn Cây Mai.

Từ những sự kiện này, cho thấy, tuy trận chiến ở thành Gia Định của quan quân nhà Nguyễn bị thất bại nhưng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước kẻ thù hung bạo để bảo vệ bờ cõi giang san, đứng đầu là Tổng đốc Võ Duy Ninh, đã trở thành biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước.

dsc07149-6650.jpg
Sự tuẫn tiết hy sinh của vị tướng anh hùng, yêu nước, thương dân, đã giúp khơi dậy sức mạnh tinh thần và ý chí quật cường chống ngoại xâm của quân dân Đại Nam. Ảnh: THÚY BÌNH

Lời thề “thành còn người còn, thành mất người mất” và sự tuẫn tiết của Võ Duy Ninh đã trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ tinh thần đấu tranh quật cường, kiên định gìn giữ và bảo vệ đất nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, khí tiết hào hùng của ông cổ vũ tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng đứng lên, chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta.

Đề tài cải lương lịch sử là đề tài khó đối với nhiều tác giả, đạo diễn sân khấu, đặc biệt là trong sáng tạo loại hình nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, sự hào hùng của lịch sử đất nước trong từng giai đoạn đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần anh dũng, kiên trung, yêu nước, thương dân của các vị anh hùng, danh tướng đất Việt rất cần được lưu truyền, thông qua các tác phẩm nghệ thuật để trao gửi thông tin và thông điệp đến cho nhiều thế hệ con cháu mai sau.

Tổng đốc Võ Duy Ninh trên con thuyền đi thị sát quân tình, thị sát dòng sông, nghĩ kế đánh giặc. Clip: THÚY BÌNH
Vợ Tổng đốc Võ Duy Ninh nghẹn ngào "đón" chồng về với quê hương, xứ sở. Clip: THÚY BÌNH
Thành Gia Định, nơi ghi dấu sự đóng góp của nhiều danh tướng trong lịch sử gìn giữ và bảo vệ đất nước, gắn liền với những khúc tráng ca hào hùng của dân tộc. Clip: THÚY BÌNH

Theo dự kiến, vở sẽ là tác phẩm sân khấu được tổ chức quảng bá trong năm 2024 với những suất diễn phục vụ tại các quận huyện và một số trường đại học.

Tin cùng chuyên mục