Hầu hết các địa phương đều thu ngân sách vượt dự toán

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tài chính ngân sách diễn ra ngày 30-12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tính đến ngày 28-12, thu cân đối ngân sách xấp xỉ 957.000 tỷ đồng, đạt 105% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt gần 111% dự toán, thu từ dầu thô đạt 73% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98%.
Hầu hết các địa phương đều thu ngân sách vượt dự toán

(SGGP).- Tại hội nghị trực tuyến về công tác tài chính ngân sách diễn ra ngày 30-12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tính đến ngày 28-12, thu cân đối ngân sách xấp xỉ 957.000 tỷ đồng, đạt 105% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt gần 111% dự toán, thu từ dầu thô đạt 73% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98%.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết thúc năm 2015, thu ngân sách có thể vượt 7% so với dự toán. Hầu hết các địa phương đều thu vượt dự toán giao.

“Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu ngân sách để hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách trung ương, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10.000 tỷ đồng thu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương năm 2015”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói. Việc tăng thu nội địa cao đến từ việc ngành thuế, hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu... Ví dụ như tính đến tháng 12, cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với năm 2014 và số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt...) là 10.200 tỷ đồng, số tiền đã nộp ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, và giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20.700 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ảnh) đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong việc hoàn thành các kết quả mà ngành tài chính đạt được, đặc biệt trong thu ngân sách khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng băn khoăn khi “thu ngân sách năm nào cũng vượt dự toán, năm sau cao hơn năm trước nhưng cân đối hết sức khó khăn, căng thẳng”. Bội chi vẫn còn cao, chưa thực hiện được mục tiêu đặt ra cả nhiệm kỳ 2011 - 2015. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá xem cơ cấu chi đã hợp lý chưa. “Hôm trước tôi xem thì giật mình khi thấy chi thường xuyên của ngân sách tăng nhanh quá, tăng cao hơn thu. Vì vậy, cần phải xem xét lại, cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, qua phân tích điều hành vĩ mô, nhìn chung năm 2016 có thể còn khó khăn hơn năm 2015 vì thế giới biến động nhiều trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên sẽ tác động nhanh đến Việt Nam. Do vậy, năm 2016, ngành tài chính cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp để chủ động hội nhập. Đặc biệt, trong thu nội địa, ngành tài chính cần phấn đấu thu vượt 7% - 8% để bù hụt thu ngân sách khi giá dầu giảm.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục