Hậu quả khi can thiệp quân sự

Trải qua 10 ngày mở chiến dịch quân sự tấn công tại Mali, quân đội Pháp vẫn trong thế giằng co với phiến quân. Dư luận đã nghĩ đến một “Afghanistan thứ hai” và lo ngại Pháp có nguy cơ sa lầy trong cuộc chiến. Pháp buộc phải thừa nhận đã không nghĩ đến khả năng phiến quân lại nắm trong tay nhiều vũ khí tấn công hiện đại khiến việc đẩy lùi lực lượng này trở nên khó khăn.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, các phiến quân đang chiến đấu chống Pháp và lực lượng quân đội châu Phi hiện nay ở Mali là những tay súng được phương Tây vũ trang trong cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Chính những thứ vũ khí này cùng với vũ khí cướp được ở Libya đang nhằm bắn vào binh sĩ Pháp. Ông Jacques Sapir, Giám đốc Viện Khoa học Xã hội Pháp, khẳng định chi phí cho cuộc can thiệp quân sự vào Mali là rất lớn, có thể lên tới 350 - 500 triệu EUR và đó là cái giá phải trả cho việc lật đổ chế độ Gaddafi ở Libya mà nước Pháp từng tham gia rất tích cực.

Báo Guardian nhận định, Mali là một minh chứng khác cho kết luận: mỗi sự can thiệp của phương Tây là hậu quả của một quyết định tương tự trước đó, đồng thời lại gieo mầm mống cho một cuộc chiến khác trong tương lai. Việc chấm dứt chế độ Gaddafi được coi là thành công của liên quân Mỹ, Pháp, Anh và các đồng minh NATO nhưng nó đã dẫn đến sự lớn mạnh nhanh chóng của các nhóm vũ trang nổi dậy miền Bắc Mali. Phần lớn các thủ lĩnh và thành viên của các nhóm vũ trang từng là binh sĩ trong quân đội của ông Gaddafi. Những kho vũ khí hiện đại bị đánh cắp của chính quyền Libya và những vũ khí được phương Tây trang bị đã đem lại cho lực lượng nổi dậy Mali ưu thế trong cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ Mali và bây giờ là cuộc chiến với Pháp cũng như các quốc gia châu Phi.

Mỹ đã hứng chịu bài học tương tự khi nuôi dưỡng Taliban như một công cụ chống lại Liên Xô cũ. Giờ đây, Taliban liên minh với Al Qaeda đã trở thành nỗi sợ hãi trên toàn cầu. Nói cách khác, chính Mỹ và phương Tây tự tạo ra kẻ thù cho mình. Báo Guardian cho biết thủ lĩnh của cuộc đảo chính Mali là Amadou Sanogo, cùng hầu hết binh sĩ tham gia cuộc đảo chính trên được huấn luyện trong chương trình đặc biệt do Mỹ tài trợ với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ của Mali. Tình trạng hỗn loạn trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng nổi dậy giành lấy quyền kiểm soát khu vực miền Bắc, với sự giúp sức của chính những binh sĩ Touareg đào ngũ từ quân đội Mali.

Bên cạnh đó, mỗi quyết định can thiệp của phương Tây đều thổi bùng tâm lý phản đối trong thế giới Ảrập, kéo theo một loạt các vụ khủng bố đẫm máu mang danh nghĩa trả thù. Mới đây nhất là vụ bắt cóc con tin tại Algeria nhằm trả đũa chiến dịch quân sự nhằm vào phiến quân Mali làm hàng chục người nước ngoài thiệt mạng.

Những gì đang diễn ra ở Mali cho thấy, chiến dịch quân sự tại quốc gia này sẽ tiếp tục nối dài kịch bản không có hồi kết về cái vòng luẩn quẩn của cuộc chiến giữa các chính phủ phương Tây với những kẻ thù do chính phương Tây tạo ra. Và những cuộc chiến này sẽ không bao giờ kết thúc khi ẩn đằng sau mỗi một chiến dịch quân sự là những toan tính không chỉ nhằm đem lại ổn định và hòa bình cho thế giới. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục