Hậu “vụ bảo lãnh hồi gia ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM” - Sửa sai, tạo dựng niềm tin

Sau ngày đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia cho người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trung tâm) bị lật tẩy (báo SGGP đã có loạt bài điều tra), nhiều biện pháp mạnh đã được đưa ra để chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhân viên xã hội.
Hậu “vụ bảo lãnh hồi gia ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM” - Sửa sai, tạo dựng niềm tin

Sau ngày đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia cho người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trung tâm) bị lật tẩy (báo SGGP đã có loạt bài điều tra), nhiều biện pháp mạnh đã được đưa ra để chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhân viên xã hội.

Sửa sai

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đối tượng trong, ngoài cấu kết thiết lập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia là việc phân công nhiệm vụ cho các phòng chức năng không hợp lý. Qua rà soát lại quy chế làm việc, thấy Phòng Quản lý - giáo dục - hồ sơ vừa phụ trách từ khâu tiếp nhận, quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng đến cả khâu giải quyết hồi gia. Được trao xử lý gần như toàn bộ quy trình khép kín từ “đầu vào” đến “đầu ra” ở trung tâm, đã dẫn đến lạm quyền. Các đối tượng lợi dụng nhiệm vụ được giao, móc nối với người thân trại viên để đòi hỏi tiền bạc.

Trong quy chế hoạt động mới, các phòng chức năng được chuyển đổi, sắp xếp lại cho chặt chẽ, hợp lý hơn. Trong đó, Phòng Quản lý - giáo dục - hồ sơ được tách ra làm 2 phòng: Phòng Quản lý hồ sơ và giáo dục tư vấn và Khu quản lý đối tượng. “Đầu vào” - “đầu ra” được tách giao 2 phòng khác nhau, khả năng chi phối quy trình giải quyết hồi gia giảm.

Cùng với rà soát lại tất cả thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồi gia, Sở LĐTB-XH TPHCM và trung tâm đã chấn chỉnh, làm trong sạch đội ngũ. Ngoài một số nhân viên đang bị tạm giam điều tra, nội bộ ngành cũng kiểm tra, kỷ luật nặng các đối tượng liên quan hoặc một số đối tượng không còn tư tưởng công tác, làm việc buông thả.

Đến nay, Sở LĐTB-XH và trung tâm đã cho nghỉ việc 10 người liên quan có sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự và đã ý thức được lỗi lầm; 3 cán bộ là Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra; Võ Minh Quang, Phó phòng Tổ chức, phụ trách tổ xét duyệt bảo lãnh; Nguyễn Mạnh Thông, Trưởng phòng Quản lý - giáo dục - hồ sơ đã bị cách chức, chuyển làm nhân viên, Sở LĐTB-XH và trung tâm đang chờ kết luận của cơ quan chức năng để có hướng xử lý tiếp theo.

Riêng 2 nhân viên đã phối hợp tích cực với cơ quan điều tra làm rõ vụ án, do quá áp lực đã chủ động xin chuyển công tác và cũng được chấp thuận. Hiện nay, trung tâm đang củng cố lại nhân sự từng khu, từng bộ phận, hoán đổi vị trí làm việc để các nhân viên không tiếp xúc lâu với môi trường dễ phát sinh tiêu cực.
 
Diện mạo mới

Sau một thời gian gián đoạn, từ tháng 8-2012, trung tâm đã dần ổn định và tập trung hoạt động nghiệp vụ, gầy dựng lại các phong trào. Dạo quanh khuôn viên trung tâm, một diện mạo mới thân thiện hơn với hàng cây cảnh đủ loại được xếp dọc theo chiều dài sân sinh hoạt cùng tiếng chim ríu rít cất lên ở giữa sân - khu vực nuôi chim, công trình do Đoàn TNCS trung tâm thực hiện. Xung quanh sân là các bộ bàn ghế đá và dù che để người già chơi cờ tướng, uống trà.

Giữa sân, trẻ em kết thành từng nhóm ngồi xích đu, chơi đá bóng hay rồng rắn lên mây… Một góc sân, người già, phụ nữ và trẻ em lần lượt được tư vấn về tâm tư tình cảm, quy định pháp luật; từng đối tượng lại được tham vấn các kỹ năng phòng chống bị chăn dắt trong đường dây xin ăn (với người già, trẻ em), các bệnh lây qua đường tình dục (phụ nữ) hay lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em…

Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM.

Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM.

Ông Phạm Đình Lương cho biết, trung tâm đang khôi phục lại đội văn nghệ và lớp dạy vẽ cho trẻ em. Trung tâm mở lớp dạy Anh văn cho trẻ em phải ra đời lao động sớm để nhận biết các nguy cơ bị xâm hại khi giao tiếp, va chạm với người nước ngoài. Mỗi sáng, đoàn viên thanh niên luân phiên nấu hơn 100 suất ăn sáng (cháo, mì, cơm) phát cho người già, người bệnh, phụ nữ và trẻ em.

Thay thế chuồng gà và heo (không hợp môi trường), Đoàn thanh niên cũng chuyển sang chăn nuôi lươn để chăm lo cho bữa cơm của trại viên được chu đáo hơn, ngoài khẩu phần theo chính sách của nhà nước.

 “ Dù người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng chỉ lưu trú tạm thời 15 ngày ở trung tâm sau đó giải quyết hồi gia hoặc chuyển tới các trung tâm bảo trợ xã hội thì đó cũng là 15 ngày tốt hơn cuộc sống không nhà không cửa, lang thang sớm tối. Trung tâm phải là mái nhà ấm cúng và cán bộ nhân viên cần xác định đây là công tác xã hội, luôn cần tấm lòng trong công việc”

Ông Phạm Đình Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục