Hãy giữ cho mình ngọn nến

Chúng tôi xin được lấy lại nhan đề “Hãy giữ cho mình ngọn nến”, đăng trên Báo SGGP cách đây tròn 1 năm, đúng vào ngày lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 ở TPHCM. Một năm với bao điều đi qua, những ngày hiện tại và những ngày sắp tới, giữ cho mình một ngọn nến để yêu thương, san sẻ và cùng nhau bước tiếp.
Thắp nến tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại TPHCM cách đây 1 năm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thắp nến tưởng niệm nạn nhân Covid-19 tại TPHCM cách đây 1 năm. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Nhớ lắm chớ…”

Ngó qua nhà hàng xóm đã có người dọn về ở, trong ngoài có tiếng con nít nói cười, anh Ngọc Minh (29 tuổi, ngụ hẻm 725 đường Ba Tháng Hai, quận 10) chia sẻ: “Nhà ông bà Bảy ở trong hẻm này cũng hơn 20 năm rồi. Trận dịch năm qua, ông bà không qua được, 2 người con thì không rõ, nghe đâu buồn quá họ về quê ở một thời gian. Tháng 10 năm ngoái, thành phố mở cửa lại, tôi hay ngó qua nhà nhưng thấy đóng cửa im lìm. Hồi tháng 7 năm nay, thấy có người dọn tới ở, cũng bà con ở quê của ông bà Bảy, nghe đâu tro cốt ông bà được gửi vào chùa, giờ họ ở để tiện đi làm, con cái đi học, sẵn lo nhang khói cho ông bà. Thôi kệ cũng mừng, cũng có người nhang khói cho ấm cửa ấm nhà. Trong xóm thỉnh thoảng má tôi và mọi người cũng hay nhắc ông bà Bảy hiền lắm, tuần trước đám giỗ nhà chú Hai của tôi, trên bàn mọi người cũng để 2 cái chén, 2 đôi đũa mời ông bà về ăn cơm chung như mọi năm ông bà vẫn hay qua nhà chú tôi ăn giỗ”.

Câu chuyện hàng xóm của anh Minh không lạ gì, khi thời điểm đó, TPHCM là tâm dịch, không tránh được chuyện mất mát. Xóm trọ nhỏ không ai rõ bà Liên (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) còn người thân hay không, chỉ thấy bà sống cùng con chó nhỏ lông xù màu vàng. Bà mất trong cơn dữ dội của đợt dịch năm rồi, con chó nhỏ cũng bỏ đi đâu mất, cả khu trọ chỉ hơn chục căn nhà nhưng tìm vẫn không thấy. Ngày nhận tro cốt bà Liên, chị Út hàng xóm đứng ra làm người thân.

“Dì Liên 80 tuổi, cùng tuổi với má tôi, dì mới dọn về xóm trọ được mấy tháng thì bùng dịch, cũng không biết dì còn người thân nào không, tôi ở phòng trọ kế bên dì, nhận làm người nhà luôn chớ sao. Má tui mất lâu rồi, nhìn dì lại nhớ má tui, dì mới về khu nhà trọ này nhưng ai cũng quý vì tánh hiền khô à. Tro cốt dì, tui với mọi người trong xóm đem gửi ở chùa gần đây, ăn cơm thì sắp thêm cái chén, đôi đũa mời dì một tiếng… Một năm rồi, nhưng nhớ lắm chớ! Ở gần cũng mến tay mến chân với dì”, chị Nguyễn Thị Bé Út (36 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) kể.

Sưởi ấm lòng nhau

 Còn nhớ trong đêm tưởng niệm cách đây 1 năm, dọc theo con đường Hoàng Sa (quận 3), bao nhiêu quán nhậu, quán ăn rộn ràng thường ngày, nhưng khi lời kinh cầu siêu vọng lại, hoa đăng từ phía chùa Pháp Hoa được thả xuống dòng kênh, không cần ai phải nhắc, người ta im lặng tưởng niệm đồng bào không may mắn. Hàng quán gần đó, tiếng người cũng khe khẽ, trang nghiêm…

Một năm đi qua, nỗi đau phần nào cũng nguôi ngoai, bởi thời gian sẽ làm lành mọi thứ và lòng người vẫn còn sưởi ấm vì nhau. Kể về chuyến đi Thảo Cầm viên Sài Gòn, đi xem xiếc với hơn 150 em nhỏ có ba mẹ mất vì Covid-19, NSND Kim Cương chia sẻ: “Tụi nhỏ thấy thương lắm, phần lớn gia đình lao động khó khăn, nên mất đi ba hay mẹ lại thêm một phần trống vắng về tinh thần. Tôi vận động thành lập Quỹ Trái tim yêu thương, và hoạt động thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM để chăm lo chuyện học hành của mấy cháu. Định kỳ theo tháng, tôi và tình nguyện viên sẽ kết nối với gia đình các cháu, lên kế hoạch cho tụi nhỏ đi tham quan mấy điểm vui chơi trong thành phố. Có tháng sức khỏe tôi không tốt, không đi được thì gọi điện thoại để nói chuyện, hỏi thăm coi mấy đứa học hành sao rồi. Chia sẻ phần nào về mặt vật chất thì cũng phải lo tinh thần, tuổi thơ mà thiếu vắng ba hay mẹ đều buồn, nên tôi cũng dặn các bạn tình nguyện viên để ý tinh thần, hỏi han, trò chuyện với mấy em thường xuyên”.

Và trong những sự chia sẻ dành cho nhau, bây giờ ngoài những hoàn cảnh khó khăn hay không may khuyết tật, người ta còn nghĩ đến những cảnh đời ảnh hưởng vì đại dịch. Tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà và học bổng cho người dân ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) và xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vào tháng 9 vừa qua, anh Trịnh Ngọc Minh (Giám đốc Công ty Thuế vụ và kế toán doanh nghiệp tại Vancouver, Canada; thành viên Hiệp hội Di trú Canada) chia sẻ: “Tôi về nước trước khi dịch bùng phát, rồi cũng đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thành phố dần sôi động trở lại nhưng người khó khăn vẫn còn nhiều gian nan, vì mấy tháng liền chịu giãn cách xã hội, nhiều người không có thu nhập. Tôi và nhóm bạn chung tay, vận động thêm để hỗ trợ mọi người. Có nơi ở quận 8, con hẻm nhỏ xíu mà mấy chục người mất, thương bà con lắm, hỗ trợ được mọi người chút gì cũng mong chia sẻ phần nào nỗi buồn mất mát trong đại dịch”.

Đi qua những ngày khó, mất mát có lẽ cũng là bài học để người ta nhận ra nhiều giá trị trong hiện tại. Một ngọn nến, một nén nhang hay hồi chuông mong phần nào ấm lòng người đã mất, an lòng người ở lại. Hành trình nhân sinh này luôn cần những yêu thương, san sẻ để người ta cùng nhau bước tiếp… 

Tin cùng chuyên mục