Hệ lụy từ đám cưới hụt

Đôi trẻ kết hôn ở Mỹ một thời gian ngắn thì ly hôn. Còn ở Việt Nam, đám cưới chuẩn bị xong xuôi đành hủy bỏ. Nhà gái muốn đòi lại khoản chi phí đã bỏ ra nên kiên quyết khởi kiện. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, hai gia đình đưa nhau ra tòa. 
Tại TAND TPHCM, đại diện nguyên đơn (nhà gái) trình bày, lúc bàn chuyện tổ chức hôn lễ tại một nhà hàng, nhà trai cho biết chưa thể lo kịp tiền đặt cọc tiệc cưới. Nghe vậy, mẹ cô dâu chuyển qua tài khoản ngân hàng của ba chú rể 80 triệu đồng. Thế nhưng, ngày vui trên quê hương chưa kịp diễn ra thì bên Mỹ, đôi trẻ đùng đùng chia tay. Hôn sự không thành, gia đình cô dâu muốn lấy lại khoản tiền tiêu tốn vì đám cưới “hụt” - 80 triệu đồng. Trước lý lẽ trên, đại diện bị đơn (nhà trai) không đồng ý. 
Hội đồng xét xử công khai đơn trình bày của hai người con gửi về từ Mỹ. Cụ thể, anh P.V.H. cho hay, trong khoảng thời gian chuẩn bị đám cưới ở quê nhà đến khi ly hôn, anh nhận 10.000USD từ gia đình. Anh dùng số tiền này vào việc sắm sửa, chuẩn bị đám cưới. Thời gian đó, đôi bên liên tục bất đồng quan điểm nên quyết định đường ai nấy đi. Hiện tòa án tại Mỹ đang xem xét giải quyết đơn ly hôn. Phản bác thông tin của chồng cũ, chị N.H.G. khẳng định suốt thời gian chung sống, chị chưa bao giờ chứng kiến hay nghe anh H. nói đến chuyện nhận tiền do gia đình gửi sang. Chi phí mua sắm, chuẩn bị về Việt Nam làm đám cưới do chị tự trang trải. Chị không hề nhận tiền từ bất kỳ ai. Trong quá trình tranh luận tại tòa, nguyên đơn rút một phần yêu cầu, chỉ đòi 50 triệu đồng thay vì 80 triệu đồng như đơn khởi kiện. Bị đơn nhất quyết giữ nguyên yêu cầu phản tố: cấn trừ khoản tiền 160 triệu đồng mới hoàn trả 50 triệu đồng. 
Trước bằng chứng, lập luận hai bên đưa ra trong phiên xử, cấp sơ thẩm đánh giá việc nguyên đơn chuyển 80 triệu đồng thể hiện rõ qua lời khai đại diện hai bên và biên nhận ngân hàng. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu, buộc bị đơn hoàn trả 50 triệu đồng. Đối với yêu cầu phản tố bị đơn đưa ra, Hội đồng xét xử cho rằng tuy lời khai phía bị đơn thống nhất việc chuyển - nhận 160 triệu đồng, nhưng phía nguyên đơn không thừa nhận những lời khai này là đúng sự thật. Quan trọng hơn, chứng cứ phía bị đơn cung cấp có phần mâu thuẫn, không trùng khớp. Cụ thể, hóa đơn thể hiện chi phí mua sắm liên quan đến đám cưới có mốc thời gian trước mốc thời gian ghi trong biên nhận chuyển 160 triệu đồng. Nói cách khác, việc anh H. mua sắm, chuẩn bị đám cưới xảy ra trước khi nhận tiền do gia đình anh gửi sang hỗ trợ. Vì lẽ đó, Hội đồng xét xử kết luận cần tách yêu cầu phản tố ra thành vụ việc dân sự khác nhằm xác minh, làm rõ. 
Tại TPHCM, đây là vụ kiện dân sự hy hữu về tranh chấp tài sản giữa hai gia đình thông gia sau khi con cái ly hôn. Câu chuyện để lại nhiều suy nghĩ về mối quan hệ tình - tiền trong xã hội trọng vật chất hiện nay.

Tin cùng chuyên mục