Nhận định trên được đưa ra vài ngày sau khi đồng THB của Thái Lan đã tăng giá lên mức cao kỷ lục trong vòng 6 năm qua với tỷ giá 30,33 baht đổi được 1 USD (cuối ngày 9-10).
Việc đồng tiền này tăng giá 7% so với USD trong năm nay đã góp phần vào sự chậm lại của nền kinh tế thiên về thương mại của Thái Lan, tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu (vì hàng hóa của Thái Lan sẽ đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh). Trước những lo ngại này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob thông báo, BoT đang xem xét tiến hành các biện pháp kiềm chế đà tăng của đồng THB nhưng phải cần từ một đến 2 tháng để phát huy hiệu quả thực tế.
Theo đó, các biện pháp được áp dụng trước mắt gồm tự do hóa dòng vốn bằng cách cho phép các tổ chức và cá nhân đầu tư ra nước ngoài. Các nhà xuất khẩu cũng sẽ được phép gửi tiền ra nước ngoài nếu họ có nguồn thu nhập ở nước ngoài. Bên cạnh đó, BoT cũng sẽ tự do hóa việc kinh doanh trao đổi tiền tệ và dịch vụ thanh toán xuyên biên giới để giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới cho người dân và doanh nghiệp...Ngoài ra, BoT sẽ xem xét nhập khẩu và xuất khẩu vàng để bảo đảm giao dịch vàng sẽ không làm thay đổi nhiều giá trị của đồng THB, đồng thời sẽ không giới hạn hoặc kiểm soát giao dịch vàng. Kế đến, BoT có thể khuyến khích nhập khẩu hàng hóa có dòng vốn lớn hơn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng của nền kinh tế kỹ thuật số đang được khuyến khích đầu tư.
Kể từ đầu năm nay, đồng THB đã tăng 7,3%, nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ châu Á nào khác và đã đảo ngược xu hướng của các loại tiền tệ khác trong khu vực. Theo bà Roong Sanuangruang, chuyên gia phân tích tiền tệ của Ngân hàng Krungsri, việc đồng nội tệ tăng giá là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài coi đồng THB là nơi trú ẩn an toàn mặc dù Thái Lan tăng trưởng kinh tế không cao. Tuy nhiên, báo Bangkok Post dẫn lời Giám đốc WB Thái Lan Birgit Hansl cho biết: “BoT không thể dễ dàng kiểm soát các xu hướng làm tăng giá đồng THB”. Khả năng phục hồi của đồng THB là một con dao 2 lưỡi, nhưng mức độ ổn định kinh tế cao là quan trọng hơn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Cú nhảy của đồng THB đã khiến WB ngày càng bi quan và hạ mức tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2019 và 2020 xuống lần lượt là 2,7% và 2,9%. Điều đó có nghĩa là Thái Lan hiện đang đứng sau các nền kinh tế Đông Nam Á khác đang tăng trưởng với con số vượt quá 6% vì nó liên quan đến một danh sách các vấn đề ngày càng tăng.
Tờ Thai Examiner nhận định, ngoài đồng THB của Thái Lan, cuộc chiến thương mại và thậm chí cả nợ hộ gia đình… là những vấn đề khó nhằn nhất của chính giới Thái Lan. Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng lĩnh vực nông nghiệp của đất nước đã bị hạn hán tồi tệ nhất trong 10 năm kéo xuống, đầu tư công của chính phủ ngày càng thấp….Một xu hướng đáng lo ngại khác được IMF thấy là Thái Lan mất các cơ sở sản xuất về tay các nước láng giềng ASEAN ngay cả khi nước này có lợi từ các chuỗi cung ứng mới.