Ngày 11-10, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn TP để triển khai công tác quý 4-2012. Đây là giai đoạn kinh doanh nước rút, quyết định việc hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời triển khai việc chuẩn bị dự trữ nguồn hàng, ổn định cung cầu và giá cả trong dịp cao điểm mua sắm cuối năm.
Cung đang vượt cầu
Báo cáo tại cuộc họp, hầu hết các siêu thị đều cho rằng, năm nay sức mua tăng chậm, để đảm bảo kế hoạch doanh thu, các siêu thị buộc phải giảm lãi để kích cầu tiêu dùng. Riêng tại một số TTTM, sức mua trong tháng 9 vừa qua đã giảm từ 20% - 30%, thậm chí có nơi giảm tới 50% so tháng trước đó. Thực tế này đã tác động không tốt đến tâm lý chung của các siêu thị, TTTM trong việc lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.
Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh về giá hàng tết, nhiều siêu thị cũng đang từng bước triển khai kế hoạch dự trữ đối với các nhóm hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…) theo hướng tăng từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng thường. Cùng với đó, các đơn vị cũng đang thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như khuyến mãi, giảm giá để kích cầu sức mua, đẩy nhanh thời gian quay vòng vốn.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc TTTM Maximark Cộng Hòa nhìn nhận, nguồn cung hàng hóa đang vượt cầu. Hiện giá hàng hóa trong tháng 10 tiếp tục ổn định, chưa có mặt hàng nào tăng giá. Vừa qua, đã có khoảng 10% - 15% nhà cung cấp (trong tổng số gần 2.000 nhà cung cấp) đề nghị điều chỉnh giá bán đối với một số nhóm hàng như hóa phẩm... thế nhưng, chính các nhà cung cấp cũng đang lúng túng, nếu điều chỉnh giá thì khả năng sức mua sẽ bị giảm vì nguồn cung đối với cùng một mặt hàng là rất phong phú, giá bán rất cạnh tranh. Trường hợp buộc điều chỉnh giá thì mức tăng cũng không đáng ngại, chỉ khoảng từ 5% - 7%.
Theo dự báo của bà Thảo, đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho thị trường tết, giá cả sẽ rất ổn định. Riêng đối với nhóm hàng rau củ quả không nên quá lo ngại về giá vì mùa mưa sắp kết thúc nên sẽ thuận lợi hơn trong việc gieo trồng.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cũng cho rằng, giá rau xanh trong những ngày qua tăng mạnh là vì mưa trên diện rộng và kéo dài. Mặt khác, do lượng rau củ quả về chợ giảm mạnh (từ 3.200 - 3.800 tấn/đêm, nay giảm chỉ còn 2.900 - 3.200 tấn/đêm) cũng làm tăng giá bán các loại tăng. Theo nhận định của bà Hà, giá rau tăng là do yếu tố khách quan. Mức giá này chắc chắn sẽ giảm trong những ngày tới.
Tại nhiều DN sản xuất và cung ứng các mặt hàng thịt gia cầm, gia súc cho chương trình bình ổn giá như Vissan, Phạm Tôn, San Hà… cũng cho rằng, vấn đề khiến họ quan ngại nhất là sức mua chứ không phải giá bán. Hiện các DN đã chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2-3 lần so với kế hoạch TP giao.
Tăng cường phân phối hàng bình ổn
Dự báo về sức mua từ nay đến cuối năm, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong tháng 9 tại TPHCM tăng 2,4% so với tháng 8. Ngoài nguyên nhân TP triển khai tháng khuyến mãi dẫn đến sức mua tăng thì thông thường những tháng cuối năm người dân sẽ “chịu” chi tiêu nhiều hơn. Đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là những hàng tiêu dùng nhiều trong dịp trước trong và sau tết như thịt heo, thịt gia súc và gia cầm các loại, thủy hải sản, rau củ quả, gạo nếp, bánh kẹo…. sức mua sẽ tăng khá mạnh.
Để công tác chuẩn bị phục vụ tết tốt hơn, Sở Công thương yêu cầu các siêu thị thực hiện tốt hơn việc báo cáo tình hình về sức mua, công tác chuẩn bị nguồn hàng cũng như khả năng cung cầu - giá cả hàng hóa, báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuẩn bị nguồn hàng. Trên cơ sở này, sở sẽ tập hợp phân tích, đánh giá, từ đó dự báo tốt hơn về thị trường hàng hóa.
Theo đó, các siêu thị cần liên kết tốt hơn với các DN trong chương trình bình ổn giá để đảm bảo hàng hóa trong chương trình được tiêu thụ rộng khắp. Hiện nay, khả năng cung ứng hàng hóa của các DN rất dồi dào, phong phú nhưng do công tác kết nối chưa tốt, dẫn đến lưu thông chưa thông suốt.
Nhằm đảm bảo việc phân phối, lưu thông hàng hóa đạt chất lượng, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành của TP và các quận huyện tăng tần suất kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, TTTM về việc niêm yết giá, chất lượng, bao bì mẫu mã và an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng gian, hàng giả.
Thúy Hải