
Đã gần 5 năm trôi qua kể từ khi UBND TPHCM chính thức phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn TP đến năm 2010 (tháng 8-2003). Điều trớ trêu là chính quy hoạch này đã đẩy nhiều chợ vào tình trạng quy hoạch treo vì nhiều lý do. Không chỉ vậy, đến nay đề án quy hoạch cũng đã lộ ra nhiều vấn đề đáng bàn.
Hàng loạt chợ thành siêu thị (?)

Siêu thị Sài Gòn - một trong những nơi bán lẻ được khách hàng tín nhiệm. Ảnh: THÀNH TÂM
Theo đề án đã được phê duyệt, đến năm 2010, TPHCM sẽ cơ bản giải tỏa xong hơn khoảng 200 chợ tự phát. Hầu hết chợ truyền thống, được công nhận đều được nâng cấp, cải tạo; đối với các chợ hoạt động không hiệu quả sẽ chuyển đổi công năng. Không xây dựng mới các chợ trong khu vực nội thành.
Cụ thể, đến năm 2010, TPHCM sẽ có 249 chợ, trong đó chợ có quyết định công nhận là 175 chợ, chợ chưa có quyết định 75 chợ.
Đối với hệ thống siêu thị, sẽ xây dựng 38 siêu thị các loại, trong đó có 15 siêu thị loại 1, 7 siêu thị loại 2 và 16 siêu thị loại 3 với tổng diện tích khoảng 152.920m2; đến năm 2010 sẽ xây dựng 50 TTTM các loại.
Với đề án này, hàng loạt chợ sẽ trở thành những siêu thị, TTTM như Tân Định, Bà Chiểu, Thanh Đa, Tân Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Văn Thánh, Hòa Bình, Bình Đăng... Riêng tại quận 6 có tới 3 chợ chuyển thành siêu thị, TTTM.
Một chuyên gia kinh tế bình luận, đây là một đề án được thực hiện tương đối công phu. Nhưng xét về mặt khoa học thì chỉ làm được một việc đó là sắp xếp, phân bổ lại vị trí các chợ, siêu thị và TTTM trên địa bàn. Đề án chưa vạch được phương án hoạt động cho các chợ trong thời gian sắp tới.
TTTM hay cao ốc văn phòng, căn hộ?
Để triển khai đề án, hầu hết các quận đã lập phương án khả thi để sửa chữa, chuyển đổi công năng các chợ hoặc xây dựng mới các siêu thị, TTTM.
Trên thực tế, gần 5 năm trôi qua, các quận mới chỉ làm được một việc đó là nâng cấp, sửa chữa được một số chợ, những công việc còn lại vẫn chưa đâu vào đâu. Còn ban quản lý chợ và tiểu thương tại các chợ nằm trong diện quy hoạch, chuyển đổi thì “dở khóc, dở cười” vì giấy phép kinh doanh đã hết hạn nhưng vẫn chưa được cấp mới!
Ngay việc chuyển đổi công năng các chợ thành những TTTM cũng đang có nhiều vấn đề. Nhiều người bảo rằng, cách làm này không phải là xây dựng TTTM mà thực chất là xây dựng các cao ốc đa chức năng!
Chợ Văn Thánh, một trong những ngôi chợ tọa lạc ở vị trí đẹp của TPHCM, được xây dựng từ năm 1994 nhưng do hoạt động không hết công năng nên năm 2004, UBND TP đồng ý cho quận Bình Thạnh xây dựng thành một TTTM. Năm 2006, quận đã nhiều lần họp với tiểu thương về việc đền bù giải tỏa nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.
Ngày 18-2-2008, UBND TPHCM đã phê duyệt kết quả đấu thầu và liên doanh (giữa các đơn vị Công ty SSG, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Cofico, Công ty TNHH Sun Wah Properties Ltd. và Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1) là chủ đầu tư. Theo kế hoạch, chợ Văn Thánh sẽ được xây dựng thành cao ốc 25 tầng có chức năng thương mại – dịch vụ – văn phòng và căn hộ với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
Tương tự, chợ Bà Chiểu cũng được thiết kế theo dạng 2 tầng hầm và 8 tầng lầu, trong đó tầng trệt và tầng 1 là chợ còn các tầng trên là TTTM và cao ốc. Tại quận 6, toàn bộ khu TTTM Bình Tây (xây dựng năm 2002) cũng đã được phê duyệt thành một cao ốc, căn hộ kết hợp TTTM. Theo đó, hàng loạt các chợ cũng được thiết kế theo cách này.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang dễ dãi và nhập nhằng trong việc chuyển đổi công năng các chợ. Nếu là TTTM thì chỉ thiết kế đúng công năng của nó, bằng không cách làm như hiện nay sẽ phá vỡ hiện trạng, quy hoạch chung của TP. Chúng ta đang bị thiếu những TTTM đúng tầm, đặc biệt là những TTTM chuyên ngành và phục vụ cho du khách.
Thay cho lời kết
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, đến năm 2020, TPHCM sẽ trở thành một trung tâm kinh tế lớn trong khu vực. Nhưng đến thời điểm này, hệ thống thương mại của TPHCM vẫn tồn tại nhiều bất hợp lý. TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối hàng hóa.
Nhưng nếu đọc kỹ đề án, điều dễ dàng nhận thấy công tác quy hoạch của chúng ta chưa đảm bảo tính khoa học, thiếu dự báo, thiếu bàn tay của nhà nước trong việc phát triển mạng lưới phân phối của TP. Có người ví việc quy hoạch thương mại tại các quận, huyện hiện nay giống như một căn nhà có nhiều phòng. Trong mỗi phòng đều có đủ những tiện nghi giống nhau, trong khi đó có rất nhiều thứ chúng ta có thể dùng chung!
Với các mặt bằng cần chuyển đổi, cũng cần chỉ rõ dùng nó cho việc gì chứ không phải để các nhà đầu tư tự thiết kế. Chỗ nào dùng để xây siêu thị, chỗ nào để xây TTTM chứ không phải cứ TTTM là kết hợp xây cao ốc văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê. Còn nếu cứ làm theo kiểu này, trước sau gì hàng hóa và DN VN cũng sẽ bị ra rìa vì họ không đủ “lực” để đưa hàng vào bán trong những TTTM sang trọng!
THÚY HẢI
Thông tin liên quan:
* Bài 1: Nơi chật chội, chỗ hoang phế