Hết lòng vì đồng đội

Giã từ quân ngũ, có những cựu chiến binh (CCB) đi học luật và trở thành luật gia với mong mỏi vận dụng kiến thức pháp luật của mình để thiết thực trợ giúp đồng chí, đồng đội được hưởng các chính sách và thực thi quyền công dân theo đúng pháp luật. Đó là các luật gia ở Tổ Tư vấn pháp lý miễn phí Hội Cựu chiến binh TPHCM.
Hết lòng vì đồng đội

Giã từ quân ngũ, có những cựu chiến binh (CCB) đi học luật và trở thành luật gia với mong mỏi vận dụng kiến thức pháp luật của mình để thiết thực trợ giúp đồng chí, đồng đội được hưởng các chính sách và thực thi quyền công dân theo đúng pháp luật. Đó là các luật gia ở Tổ Tư vấn pháp lý miễn phí Hội Cựu chiến binh TPHCM.

Luật gia Lê Hữu Lượng (trái) tư vấn pháp lý cho một cựu chiến binh

Kiên trì đeo bám vụ việc

Các luật gia ở Tổ Tư vấn pháp lý miễn phí không thể nhớ được mình đã tham gia giải quyết bao nhiêu vụ việc, vì đã nhiều lắm rồi. Luật gia Trịnh Phi Long, thành viên của tổ, bồi hồi nhớ lại: “Nhiều CCB tìm đến Tổ Tư vấn để hỏi thăm về chính sách, tiêu chuẩn danh hiệu… Do vậy, chúng tôi luôn quan tâm cập nhật các quy định mới nhất về phong tặng danh hiệu, xét tặng huân chương, huy chương, để hướng dẫn tận tình cho các CCB. Việc này không khó xác minh vì có các văn bản quy định hẳn hoi rồi. Căng thẳng nhất là tư vấn pháp lý những vụ khiếu nại oan sai về đất đai, nhà cửa”.

Không cần xem lại sổ sách, ông Phi Long kể về vụ một vợ liệt sĩ là bà Trần Thị Lài ở quận Bình Thạnh mất nhà. Bà Lài buồn bã tìm đến Tổ Tư vấn pháp lý. Đó là thời điểm quận Bình Thạnh đang cùng các quận - huyện khác tập trung tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở - quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cho người dân. Do tuổi cao sức yếu, bà Lài ủy quyền cho con rể của mình đi làm thủ tục làm sổ hồng cho căn nhà của mình. Mọi việc suôn sẻ. Nhưng thời gian sau, bà Lài tá hỏa khi phát hiện trên sổ hồng ghi chủ căn nhà là... người con rể. Chuyện không thể dàn xếp trong nội bộ gia đình, bà Lài tìm đến Tổ Tư vấn để cầu cứu. Các luật gia đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc và lần theo các thông tin, giấy tờ. Sau vài tháng kiên trì đeo bám, tìm kiếm tư liệu liên quan vụ việc, Tổ Tư vấn đã giúp giành lại chủ quyền nhà cho bà Lài, nhờ làm rõ căn nhà ấy được nhà nước cấp cho bà Lài theo diện vợ liệt sĩ và trong suốt quãng thời gian dài, bà Lài không hề mua bán hay sang nhượng cho ai.

Tiếng lành đồn xa

Hành trình trợ giúp về pháp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các CCB của Tổ Tư vấn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như vụ của ông Phạm Xuân Dần (ở Tỉnh lộ 10, huyện Bình Chánh) là cả một quá trình gian nan. Các luật gia Tổ Tư vấn đã đeo bám việc giải quyết vụ việc trong nhiều năm trời. Hàng chục bài báo phản ánh vụ này trên Báo Cựu Chiến Binh và các báo khác, nhưng vụ việc kéo dài, các luật gia đành phải vận động ông Dần nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định của địa phương, không làm rối an ninh trật tự; chuyện đúng sai có tòa án, pháp luật xử lý. Sự việc như sau, năm 1984, ông Dần mua một thửa đất khoảng 1.000m² ở Tỉnh lộ 10. Thời điểm ấy, các giao dịch chỉ là giấy thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất có chứng thực tại xã. Tuy nhiên, khi đất đai lên “cơn sốt”, khu vực nông thôn được đô thị hóa thì người bán đất quay lại đòi đất, rồi thưa ông Dần ra Tòa Dân sự. Sau vài phiên tòa, ông Dần thua kiện và nhận được biên bản cưỡng chế. Với trách nhiệm của mình, các luật gia ở Tổ Tư vấn đã vào cuộc với căn cứ mong manh là lòng tin vào đồng đội. Sau nhiều năm gõ cửa các cấp chính quyền, nộp đơn khiếu kiện…, công lý đã được sáng tỏ. Ông Dần vui mừng, xúc động đến ứa nước mắt khi nhận được quyết định giao đất.

Tiếng lành đồn xa, CCB các tỉnh, thành phía Nam cũng tìm đến để trình bày về những chuyện oan khuất và mong được tư vấn pháp lý để tháo gỡ. Sự vào cuộc có trách nhiệm của Tổ Tư vấn, nhiều vụ việc ở các tỉnh - thành cũng được giải quyết thỏa đáng. Lần giở xấp hồ sơ dày cộm trên bàn, luật gia Phi Long cho biết: “Chúng tôi đang tiếp nhận tư vấn pháp lý về đất đai cho một CCB ở Cần Thơ. Rất may là gia đình còn lưu giữ khá đầy đủ giấy tờ đất, bằng khoán điền thổ, giấy xác nhận hồ sơ địa chính…  Nhiều văn bản bằng tiếng Pháp, chúng tôi phải dịch lại rất công phu. Cái khó của vụ việc này là phải trích lục các văn bản pháp luật của từng thời kỳ. Đơn từ của CCB này đã gửi đi nhiều nơi và mới đây đã có văn bản trả lời từ các cơ quan liên quan. Tuy vụ việc rất khó khăn và phức tạp, nhưng chúng tôi không nản chí, quyết tâm hết lòng vì đồng đội”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục