Hết lòng với trẻ vùng xa

Bà Kiến Kim Giác (tiểu thương chợ Hòa Bình, TPHCM) đến với công việc thiện nguyện như một cái duyên. Mọi chuyện khởi đầu từ bữa cơm muộn trong chiều mưa giá lạnh, tại một ngôi chùa ở vùng xa vắng thuộc tỉnh Vĩnh Long. 
Các cháu học sinh nghèo vui mừng nhận quà từ nhóm từ thiện của bà Kim Giác
Các cháu học sinh nghèo vui mừng nhận quà từ nhóm từ thiện của bà Kim Giác

Chưa quen với công tác tổ chức và nguồn kinh phí ban đầu không nhiều nên mọi việc chuẩn bị cho mỗi chuyến đi được bà chắt chiu từng bữa. Bà tự làm mọi việc, từ liên hệ chính quyền địa phương, đến việc ra tận cửa hàng chọn mua quần áo, giày dép, tập vở, bút viết, cặp xách… rồi vận chuyển đến nơi xa giúp những trẻ nghèo… 

Bữa cơm đáng nhớ

Ít ai ngờ rằng người đàn bà có vóc dáng bé nhỏ như vậy, nhưng lại một mình thực hiện việc đóng gói, cột quà rồi chuyển đưa lên xe tải hàng chục ngàn quyển tập, hàng ngàn ba lô, cặp xách cho học sinh nghèo ở các vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Mạnh mẽ là vậy, nhưng khi kể lại cho chúng tôi nghe thời điểm bắt đầu việc làm thiện nguyện hơn chục năm trước, bà Kim Giác đã khóc rưng rức. Đưa ánh mắt nhìn về phía xa xa, bà bồi hồi nhớ lại: “Cũng như bao tiểu thương khác, tôi thường tổ chức đi viếng cảnh chùa, cầu mong công việc kinh doanh thuận lợi. Tôi và gia đình thường đi đến các chùa vùng sâu, vùng xa ở miền Tây, Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Lần đó, được người thân chỉ dẫn, chúng tôi đến chùa Phước Lâm (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Đây là ngôi chùa ở khá xa thành phố Vĩnh Long. Đi hết đường bộ, chúng tôi phải đi đò ngang, đò dọc; đến nơi đã xế chiều và trời đổ mưa lất phất. Đang ngồi trong chùa dùng bữa cơm chay thì có cháu học sinh chạy vào trú mưa. Quần áo của cháu cũ sờn, ướt nhẹp, đôi dép nhựa bị rách… Cháu không có cặp mà cho tất cả sách vở vào bao ni lông. Lúng túng thế nào đó, cháu làm rơi tập, sách xuống vũng nước ngoài sân. Tôi vội chạy ra phụ lượm tập, sách giúp cháu. Ôm cháu bé và những tập, sách ướt sũng nước vào lòng. Lúc đó, tự dưng nước mắt tôi trào ra”.

Thế là từ sau bữa cơm chan nước mắt đó, trở về thành phố, bà Kim Giác lặng lẽ thực hiện ước nguyện của mình…

Yêu thương những phận đời khốn khó

Việc kinh doanh lúc trồi lúc sụt… nhưng bà Kim Giác vẫn sống tằn tiện, chắt chiu để dành tiền mua quà cho các cháu. Gom góp được khoảng 1 triệu đồng,  bà Kim Giác lẵng lặng đi mua tập vở, ba lô, bút viết, cặp xách… Mỗi lần vài trăm cuốn tập, chục cái ba lô. Khi số lượng kha khá, bà quày quả trở lại chùa Phước Lâm để nhờ các sư thầy chuyển cho các cháu học sinh nghèo. Bà Kim Giác tâm sự: “Lần đầu, tôi mang 1.000 cuốn tập và 50 cái ba lô nhờ các sư thầy ở dưới đó tặng cho các cháu. Lúc tiễn tôi về, các sư thầy cho biết ngoài dụng cụ học tập các cháu cũng rất cần giày dép, quần áo đồng phục. Tôi nhờ các sư thầy liên hệ với địa phương để có danh sách những cháu cần sự hỗ trợ như vậy. Lần sau xuống sẽ mời các cháu đến chùa để nhận quà. Trên đường về thành phố, tôi càng thấu hiểu cuộc sống cơ cực của bà con ở vùng quê nghèo”.

Sau lần đó, cứ có dịp đến các chùa vùng sâu, vùng xa các tỉnh thành phía Nam, bà Kim Giác đều dành thời gian hỏi han cặn kẽ để việc chuẩn bị quà cho các cháu chu đáo hơn. Đến nay, việc mua quà tặng vẫn diễn ra lặng lẽ. Sáng sớm, ra chợ Hòa Bình mở cửa hàng mua bán, đêm về bà lại âm thầm gói quà với cả tấm lòng yêu thương, trân trọng các cháu học sinh nghèo. Một vài tiểu thương và bạn bè biết chuyện đã ít nhiều hỗ trợ, giúp bà Kim Giác đóng gói quà tặng. Ông Tư, em của bà Kim Giác, cười cười, cho biết: “Nhiều đêm, chị tôi thức đến 2 giờ sáng để gói quà từ thiện. Thức khuya, dậy sớm như vậy nhưng chị tôi vẫn khỏe mạnh và không bao giờ nghe chị than phiền gì cả!”. 

Dịch Covid-19 xảy ra, chuyến tặng quà cho trẻ vùng sâu, vùng xa phải dời tới lui đôi bận. Quà dồn nhiều, lối đi nhỏ ở nhà bà Kim Giác trải dài cặp xách, tập vở, quần áo… Bà cho biết: “Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là cầu mong sao mình luôn mạnh khỏe, mua bán thuận lợi để có kinh phí lo cho các cháu học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Hy vọng chuyến quà này sẽ kịp phát trước khi các cháu nhập học”.

Không chỉ đến với các cháu nhỏ, về địa phương nào bà Kim Giác cũng dành thời gian rảo quanh trường học, làng xóm để tặng quà người nghèo, hỗ trợ kinh phí xây dựng đường xi măng, cầu bê tông nông thôn để các cháu đến trường an toàn. Công việc thiện nguyện đã dần quen thuộc và mới đây, bà Kim Giác đã liên hệ với Hội Đông y TPHCM tổ chức tặng quà, kết hợp khám chữa bệnh cho trẻ em và người dân còn nhiều cơ cực, tổ chức tại chùa Phước Long, chùa Long Phú (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).

Sau gần chục năm tham gia công tác thiện nguyện, bà Kim Giác không nhớ mình đã dành dụm bao nhiêu tiền để hỗ trợ bà con nghèo, mua dụng cụ học tập cho các cháu, đến bao nhiêu địa phương… Điều còn đọng lại với bà Kim Giác bây giờ là luôn canh cánh bên lòng, tình yêu thương với những phận đời ở các vùng quê nghèo còn bao khốn khó, gian nan!

Tin cùng chuyên mục