Hiểu bản thân để đọc sách có hiệu quả

Lấy cảm hứng từ tên cuốn sách Cuốn sách và tôi của Vương Hồng Sển, chương trình giao lưu với chủ đề Sách và tôi diễn ra vào ngày 20-4, tại Đường sách TPHCM. Chương trình do NXB Trẻ tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 2021 với sự tham gia của ba diễn giả: GS Phan Văn Trường, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và doanh nhân kiêm tác giả Nguyễn Phi Vân.

Nguồn kiến thức đáng tin cậy

GS Phan Văn Trường cho rằng, khác với các bộ môn nghệ thuật khác, sách cho chúng ta 2 thứ: tự do và sự vĩnh hằng. Theo tác giả của bộ sách Một đời kết tinh, sự tự do ở đây chính là cho phép chúng ta được bay bổng, tưởng tượng, được sống nhiều kiếp, nhiều cuộc sống khác nhau. Và đặc biệt, sách cho chúng ta thấy con người tuy đời sống ngắn nhưng lại có sự vĩnh hằng. Tất nhiên, sự vĩnh hằng ấy thể hiện qua sách chứ không phải qua đời sống. 

Hiểu bản thân để đọc sách có hiệu quả ảnh 1 Ba diễn giả tại chương trình: Ông Lê Hoàng, GS Phan Văn Trường, doanh nhân kiêm tác giả Nguyễn Phi Vân cùng nhà báo Phương Huyền
Tại chương trình, ba diễn giả đã có những chia sẻ thân tình về những cuốn sách từng làm thay đổi tư duy, suy nghĩ và cuộc đời của mình. Với GS Phan Văn Trường, cuốn sách in đậm trong tâm trí ông đến tận ngày nay là Tâm hồn cao thượng. Với ông Lê Hoàng là Sa mạc Tư Khoa, Ikigai, 1+1=3, Để khát vọng dẫn lối.

Riêng doanh nhân kiêm tác giả Nguyễn Phi Vân, mỗi một giai đoạn bà có một cuốn sách làm thay đổi cuộc đời. Chẳng hạn như lúc còn bé, cuốn sách gắn bó và có ảnh hưởng tới chị là Ngàn lẻ một đêm. Bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi 30, cuốn sách làm thay đổi cuộc đời chị là Kim Cang Kinh. Và hiện tại là Thành trì sáng tạo, cuốn sách khiến chị phải thay đổi góc nhìn về sáng tạo.

Trước băn khoăn của một độc giả lớn tuổi về việc lựa chọn giữa sách giấy và những thông tin, kể cả sách trên Internet, GS Phan Văn Trường cho biết, cuốn sách hơn tất cả các kênh khác ở chỗ, nó giúp chúng ta hiểu thấu được gốc của vấn đề, không phải là những mẩu chuyện, những chuyện tào lao ngoài xã hội.

Dưới góc độ người làm nội dung, doanh nhân Nguyễn Phi Vân chỉ ra thực tế, những tác phẩm hay thường được chuyển thể thành phim. Và khi xem phim, người ta lại đi tìm sách để đọc. Chính vì vậy, theo chị, tất cả nội dung mà chúng ta muốn chuyển tải tới người đọc, người xem hay người nghe cũng có thể ứng dụng theo sự chuyển động và phát triển của công nghệ hiện nay.

“Có lẽ, đã đến lúc tất cả chúng ta nên nghĩ đến sách ở góc độ nội dung và sử dụng ở nhiều kênh khác nhau để chạm vào người thụ hưởng cuối cùng. Phải chăng đó là cách để chúng ta xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và phù hợp hơn với các bạn nhỏ và thế hệ tiếp nối?”, tác giả Nguyễn Phi Vân đặt vấn đề.

Hiểu bản thân để đọc sách có hiệu quả ảnh 2 Chương trình được lấy cảm hứng từ tên cuốn sách "Cuốn sách và tôi" của Vương Hồng Sến, trở thành điểm nhấn trong Ngày Sách Việt Nam năm 2021
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm sách, ông Lê Hoàng cho rằng, ngành xuất bản của Việt Nam hiện nay đang phát triển về số lượng cũng như về đề tài, nội dung. Nhờ tiến bộ của Internet, công nghệ nên giờ đây không chỉ có sách giấy mà còn có cả Ebook (sách điện tử), Audiobook (sách nói)…

Theo ông Lê Hoàng, cần phân biệt giữa sách và các thông tin trên Internet. Nếu là sách, tất nhiên cũng có thể đọc qua Internet nhưng hoàn toàn khác với những thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube… Tuy vậy, chỉ có sách mới mang lại kiến thức đáng tin cậy, còn những thông tin đó cũng có thể cho chúng ta kiến thức nhưng cần thận trọng vì đó mới chỉ dừng ở mức thông tin.

Chính vì vậy, ông Lê Hoàng cho rằng, nếu muốn biến kiến thức để sử dụng trong cuộc sống thì nên thông qua sách. Bởi vì sách được viết bởi những người có kiến thức và trách nhiệm với xã hội. Trên Internet không ai chịu trách nhiệm cho thông tin hoặc những sai sót nếu có.

“Sách không chỉ là kho tàng về tri thức, mà còn mang lại cho chúng ta những giá trị, thông điệp vô cùng tốt đẹp cho tâm hồn, cho cuộc sống. Thành ra, chúng ta nên có sự phân biệt giữa đọc sách và đọc thông tin trên Internet”, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ.

Dựa vào nhu cầu của bản thân để chọn sách

Mỗi năm, cả nước có 37.000 đầu sách mới; làm thế nào để có thể chọn những cuốn sách phù hợp và hữu ích cho mình. Trước vấn đề này, tác giả Nguyễn Phi Vân cho rằng, không nên làm chuyện ngược lại, là tìm sách trong 37.000 cuốn kia. Khi bản thân đang thực sự cần gì thì chúng ta hãy tìm cuốn sách xuất phát từ nhu cầu đó.

Hiểu bản thân để đọc sách có hiệu quả ảnh 3 Một độc giả đặt câu hỏi giao lưu tại chương trình. 
“Trước đây, công việc yêu cầu tôi phải đến nhiều nước khác nhau, tôi biết rằng khi đến Trung Đông mà không hiểu gì về văn hóa của họ sẽ không thể làm việc được. Từ đó, suy ra nhu cầu của mình là phải đọc về văn hóa, nghệ thuật, cuộc sống, xã hội, tôn giáo của người ta để mình hiểu và biết được nên hành xử như thế nào để là một phần trong cộng đồng đó. Xuất phát từ nhu cầu ấy, tôi đi tìm những cuốn sách liên quan để đọc”, tác giả Nguyễn Phi Vân kể. 

Ở vào giai đoạn bị khủng hoảng, dù vẫn biết mình đã làm được một số việc, cũng có sự nghiệp nhưng theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Phi Vân, đâu đó trong chị vẫn cảm thấy thiếu một tâm hồn, một trái tim, một nơi nào đó để thuộc về. Và lúc đó, chị lại đi tìm những cuốn sách nói về tâm hồn, về nhân sinh để tìm đọc.

Từ trải nghiệm của bản thân, tác giả Nguyễn Phi Vân đúc kết: “Chúng ta nên bắt đầu như vậy mới có thể đọc hết một quyển sách được. Còn nếu để lựa chọn giữa 37.000 cuốn sẽ khiến chúng ta trở nên hoang mang, không biết tìm cuốn sách nào. Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ bản thân mình trước”.

Hiểu bản thân để đọc sách có hiệu quả ảnh 4 Chương trình thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự và ở lại đến cuối chương trình
Theo ông Hoàng, một yếu tố quan trọng không kém đó là phải yêu thích đọc sách. “Không có thói quen đọc sách, dù có gặp quyển sách đúng nhu cầu thì chẳng mấy chốc sẽ chán liền. Thêm một yếu tố nữa là phải thể hiện niềm say mê đó bằng việc đi đến các cửa hàng sách. Muốn bắt cá phải xắn ống quần lội xuống mương, xuống ruộng để bắt cá. Cũng như vậy, phải đi vào nhà sách, lặn lội vào môi trường sách thì mới tìm được sách”, ông Lê Hoàng nói thêm. 

Tin cùng chuyên mục