Theo lãnh đạo SAGRI, tổng công ty đang quản lý hơn 6.288ha đất tại huyện Củ Chi (Công ty TNHH MTV Bò sữa TP) và huyện Bình Chánh (Công ty Cây trồng TP).
Hiện nay đơn giá thuê đất nông nghiệp tăng 3,6 lần so với trước đây (cao 2-5 lần so với các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh...) ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của 2 đơn vị này.
SAGRI đề nghị cần tách bạch đơn giá thuê đất sản xuất nông nghiệp và đơn giá bồi thường đất nông nghiệp. Hiện, Công ty Cây trồng TP đã ký 672 hợp đồng giao khoán.
Các hộ nhận khoán sản xuất manh mún, đất sản xuất xen cài đất ở, hiệu quả không cao. Nhiều hộ nhận khoán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê đất hàng năm.
Chăn nuôi bò sữa tại Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM
Có 188 hợp đồng đến hạn vào cuối năm 2017, đa số đề nghị tái ký hợp đồng để tiếp tục sản xuất. SAGRI kiến nghị TP có giải pháp hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng như thủy lợi, giao thông... cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà TP quy hoạch như cách TP hỗ trợ với khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều chỉnh đơn giá thuê đất nông nghiệp sát với thực tế, tương đương tỉnh giáp ranh.
Việc giao khoán đất sản xuất thời gian qua nhìn chung không hiệu quả, phức tạp, TP sớm có giải pháp xử lý để tránh xảy ra khiếu kiện. Chuyển đổi một số đất nông nghiệp sang mục đích khác để sử dụng hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh yêu cầu SAGRI có báo cáo cụ thể việc sử dụng đất, tình trạng lấn chiếm, đề xuất phương án và đoàn giám sát HĐND TP sẽ có báo cáo chính thức tại cuộc họp HĐND TP sắp tới.
Cùng ngày, đoàn HĐND TPHCM đã giám sát về quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất công trên địa bàn quận Bình Tân.
Tại đây, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, một số trường hợp đất công bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở hoặc nhà trọ hàng chục năm nay nhưng quận chưa thể xử lý.
Các trường hợp này tập trung tại các phường Bình Trị Đông A, Tân Tạo và Tân Tạo A. Việc lấn chiếm của người dân xảy ra tại thời điểm mà công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo.
Có những trường hợp lợi dụng lấn chiếm diện tích lớn như của bà N.T.L., từ năm 1996 UBND huyện Bình Chánh chỉ cấp cho bà một căn nhà tình thương 32m2 trên khu đất gần 3.000m2, nhưng quá trình sử dụng bà này chiếm dụng luôn phần đất còn lại và đã dùng 1.500m2 xây nhà ở và cho thuê.
Tại buổi giám sát, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP yêu cầu quận Bình Tân cần phải xem xét nguồn gốc pháp lý đất đai của bà N.T.L. cũng như các hộ dân còn lại để sớm có giải pháp xử lý phù hợp, vừa không ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng cũng không làm lãng phí tài sản của nhà nước.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu giải thích, sẽ xem xét từng trường hợp để có hướng giải quyết cụ thể. Ban chỉ đạo 09 đã yêu cầu quận Bình Tân phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường khẩn trương rà soát, làm rõ nguồn gốc pháp lý, quá trình chiếm dụng đất của các hộ này để xem xét xử lý theo quy định, quận sẽ xử lý dứt điểm trong quý 2-2018.