Theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, kể từ ngày 1-7-2012, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng các loại hình phương tiện ô tô phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên xe. Theo số liệu thống kê, đến nay đa phần đơn vị kinh doanh vận tải đã chấp hành việc lắp đặt, song hiệu quả của việc khai thác thiết bị GSHT còn thấp.
Đa số chấp hành
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải ở TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc triển khai lắp đặt thiết bị GSHT. Bà Phạm Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Âu Châu, cho biết: “Đến nay, đơn vị đã triển khai lắp đặt thiết bị GSHT cho trên 30 xe và sẽ hoàn thành theo đúng quy định của Nghị định 91. Bởi vì, theo quy định các xe không lắp đặt thiết bị GSHT sẽ không cho đăng kiểm nên DN không còn sự lựa chọn nào khác”. Còn Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang thông tin: Tính đến cuối tháng 6, đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị GSHT cho 1.000 xe đạt tỷ lệ 100%. Việc triển khai lắp đặt thiết bị GSHT trên xe đã giúp đơn vị quản lý tốt phương tiện, quản lý hành trình xe chạy kết hợp với quản lý tài xế.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Theo quy định lắp đặt thiết bị GSHT, cho đến thời điểm cuối tháng 5 được triển khai ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Cụ thể, đã thực hiện lắp đặt 22.786 xe, so với số xe phải lắp đặt đạt 64,5%. Trong đó, có 26 địa phương đã lắp đặt thiết bị GSHT đạt 100%, 15 địa phương đạt trên 80% và 22 địa phương đạt dưới 80%.
Hiệu quả khai thác thấp
Về hiệu quả khai thác của thiết bị GSHT, ông Quyền cho biết, đối với một số đơn vị có số lượng xe nhiều, bộ máy quản lý tập trung thì họ khai thác các thông tin trên thiết bị GSHT phục vụ công tác quản lý về kinh doanh như các yêu cầu về quản lý nhà nước là tương đối tốt và có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng vận tải của chúng ta có nhiều đơn vị số lượng xe ít, chưa có bộ máy quản lý tập trung nên việc khai thác thông tin trên hệ thống thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh của DN còn rất hạn chế. Trong đó, 5 thông tin bắt buộc hệ thống GSHT phải ghi nhận là thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, số lần mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ, thời gian lái xe. Đây là 5 thông tin bắt buộc hệ thống GSHT phải ghi nhận để phục vụ công tác quản lý về an toàn giao thông (ATGT), cũng như công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước khi có yêu cầu. Cụ thể, theo Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay chỉ có khoảng 15% phương tiện thuộc các đơn vị vận tải quản lý tập trung quan tâm đến khai thác thiết bị phục vụ cho quản lý và đảm bảo ATGT. Số còn lại lắp đặt chỉ để được kiểm định và được cấp phù hiệu hoạt động, chưa phục vụ công tác quản lý. Chất lượng thiết bị GSHT được gắn trên ô tô không được kiểm soát, có đơn vị được công nhận hợp chuẩn nhưng lại giao cho những cơ sở khác đảm nhiệm nên nhiều thiết bị GSHT không đủ các chức năng theo quy định, tình hình này diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn không ít sở GTVT chưa có hệ thống máy chủ để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các loại xe thông qua thiết bị GSHT nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị GSHT bị hạn chế. Theo ông Quyền, việc theo dõi, hệ thống hóa những thông tin ghi nhận được của thiết bị GSHT chưa được cập nhật vào một cơ sở dữ liệu chung và công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, công việc này mới ở giai đoạn chuẩn bị lập kế hoạch để kiểm tra, xem xét những thông tin, tư liệu ghi nhận được từ thiết bị GSHT để có chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian tới.
Trả lời về việc hiện nay có một số DN vận tải chỉ lắp đặt thiết bị GSHT để kiểm định và được cấp phù hiệu hoạt động, chưa phục vụ công tác quản lý, ông Quyền cho rằng, có thể có một số DN nhận thức không đầy đủ nên sử dụng thiết bị không đạt chuẩn, giá bán rẻ hơn. Các DN này chỉ nhìn cái lợi trước mắt chứ chưa tính tới yêu cầu quản lý lâu dài của nhà nước, cũng như coi đó là biện pháp, giải pháp để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh của DN. Sắp tới các sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có những đợt thanh tra, kiểm tra về việc lưu trữ, phân tích số liệu thu được từ thiết bị GSHT và sử dụng các số liệu để quản lý của DN, cũng như phục vụ công tác quản lý để đảm bảo ATGT của Nhà nước.
Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu để xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải ở các sở GTVT và toàn quốc. Những thông tin, cụ thể là 5 thông tin bắt buộc phải ghi nhận qua thiết bị GSHT để phục vụ công tác về quản lý ATGT sẽ được tích hợp về cơ sở dữ liệu của các sở GTVT, cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đối với những thiết bị không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu, không ghi nhận được một cách đầy đủ, thường xuyên liên tục những dữ liệu này sẽ được kịp thời phát hiện chấn chỉnh và xử lý. Yêu cầu các DN phải lắp đặt các thiết bị đảm bảo yêu cầu theo quy định.
| |
Đình Lý