Hiệu quả từ mô hình 3 tại chỗ

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao chỉ sau TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương đã buộc phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” giúp duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì công ăn việc làm cho công nhân trong mùa dịch Covid-19.

Theo Ban quản lý (BQL) các KCN tỉnh Bình Dương, với đặc thù là tỉnh có nhiều khu - cụm công nghiệp, có hơn 1 triệu lao động cư trú tập trung tại các nhà trọ gần công ty nên việc phòng chống dịch Covid-19 trong lực lượng lao động trên địa bàn góp phần quan trọng vào khống chế dịch bệnh trên toàn tỉnh. 

Công nhân Công ty TNHH Earth Corporation Vietnam tham gia sản xuất 3 tại chỗ
Thời gian đầu triển khai mô hình 3 tại chỗ, các DN chủ động báo cáo tình hình tổ chức sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi nhưng sau đó đã phát sinh các trường hợp F0 khiến một số nơi phải tạm dừng hoạt động để xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0. Từ tháng 7-2021, BQL các KCN tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở LĐTB-XH, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường kiểm tra đầu vào, rà soát và test Covid-19 cho toàn bộ lao động 3 tại chỗ. Đến nay, các DN tiếp nhận lao động áp dụng tiêu chí “cứng” là phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đủ thời gian sinh kháng thể theo khuyến cáo của chuyên gia y tế. Nhiều DN cũng tăng cường cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi góp phần tạo tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe công nhân làm việc lâu dài.


Theo bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên), công ty có hệ thống phân phối và nhập khẩu nguyên vật liệu từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều bạn hàng ở khu vực Đông Nam Á. Dù đối mặt với các thách thức từ đợt dịch nhiều tháng qua nhưng với mô hình “3 tại chỗ” cùng các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, công ty vẫn duy trì hoạt động 100% công suất. Qua đó, chuỗi cung ứng toàn cầu với các đối tác từ Thái Lan, Malaysia vẫn được duy trì, việc xuất khẩu hàng hóa diễn ra đều đặn.

Đối với Công ty TNHH Sài Gòn STEC (sản xuất các loại linh kiện điện tử, camera module ứng dụng công nghệ cao, KCN VSIP 2), là một trong những DN có 100% vốn FDI với hơn 6.000 lao động, hiện đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong khoảng nửa tháng tạm ngưng sản xuất để bóc tách F0, công ty đã tổ chức các hoạt động tốt hơn như: mua sắm giường ngủ, đảm bảo giãn cách, bố trí suất ăn đảm bảo vệ sinh, chất lượng… cho 2.000 công nhân làm việc tại chỗ với mức thu nhập tăng 4-5 lần so với bình thường. Ông Wada Kazuhito, Tổng Giám đốc Sài gòn STEC, cho biết, mô hình sản xuất 3 tại chỗ với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương đang phát huy hiệu quả; công ty cũng đang chuẩn bị triển khai thêm phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, dự kiến đưa thêm 3.000 công nhân trở lại sản xuất và tiến tới đưa đủ 6.600 công nhân vào làm việc.

Đến đầu tháng 9-2021, Bình Dương đã có gần 1.400 DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” với gần 150.000 lao động. Riêng 2 tuần gần đây đã có thêm 141 DN đăng ký với gần 22.000 lao động. Các mô hình sản xuất này hiện đã có thêm điểm tựa khi ngành chức năng Bình Dương phối hợp với chủ đầu tư 27 KCN đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân. Tỉnh đang phấn đấu sớm hoàn thành 100% người sinh sống trên địa bàn từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine. 

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng BQL các KCN tỉnh Bình Dương, với đặc thù là tỉnh có nhiều khu - cụm công nghiệp, với hơn 1 triệu lao động nên thời gian đầu triển khai “3 tại chỗ” đã phát sinh trường hợp F0, khiến một số DN phải tạm dừng hoạt động. Tỉnh đã tăng cường kiểm tra đầu vào, xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động làm việc “3 tại chỗ”. DN cũng áp dụng tiêu chí người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi cho người lao động... Mới đây, Bình Dương đã cho phép DN ở vùng xanh hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân đảm bảo an toàn...

Theo báo cáo của BQLKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến đầu tháng 9-2021, toàn tỉnh có khoảng 250 DN thực hiện phương án 3 tại chỗ với gần 30.000 lao động. Kết quả 8 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (trừ dầu thô và khí đốt) đạt 205.316 tỷ đồng, tăng 6,31%. Giải pháp “3 tại chỗ” trong thời gian ngắn hạn đã phát huy những hiệu quả nhất định, giúp DN duy trì nguồn nhân lực để vận hành liên tục với công suất khá tốt.
NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục