Hỗ trợ doanh nghiệp giữ con công nhân

Công ty Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi) là một trong số ít ỏi doanh nghiệp tại khu công nghiệp - khu chế xuất ở TPHCM có nơi giữ con công nhân.

Công ty Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi) là một trong số ít ỏi doanh nghiệp tại khu công nghiệp - khu chế xuất ở TPHCM có nơi giữ con công nhân.

Anh Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty, kể: “Năm 1995, thấy công ty còn bỏ trống một gian phòng lớn, tôi đề xuất với tổng giám đốc người nước ngoài về việc tổ chức làm nơi giữ con công nhân để họ yên tâm làm việc. Đề xuất được chấp nhận và công đoàn vào cuộc. Mặt bằng hơn 1.000m² được cải tạo, sơn phết làm nơi giữ trẻ. Liên đoàn Lao động và Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cũng góp sức hỗ trợ. Lúc đầu tuyển cô giáo và bảo mẫu rất khó, do nơi đây chỉ được xem là nhóm trẻ chứ chưa được công nhận là trường mẫu giáo. Chúng tôi phải đến Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo để mời gọi. Đến nay, nơi đây đã qua gần 20 năm hoạt động, hiện có đến 11 cô giáo và bảo mẫu, chăm sóc cho 200 cháu độ tuổi từ 18 tháng đến 5 tuổi”.

Chị Lê Thị Hồng Nhung, phụ trách nơi giữ trẻ, cho biết nơi đây ưu tiên nhận giữ con em của các lao động nữ là người nhập cư. Chi phí gửi trẻ là 500.000 đồng/cháu/tháng, phần còn lại do công ty đài thọ. Khác với các nhà trẻ tư nhân hay công lập, ở đây còn nhận giữ trẻ ngoài giờ khi cha mẹ các cháu phải tăng ca, trung bình khoảng 30 cháu/ca. Gửi con nơi đây có giá cả vừa phải, chất lượng đảm bảo, nên các nữ công nhân yên tâm làm việc.

Anh Nguyễn Thanh An tâm sự: “Hồi mới tổ chức nhóm trẻ, tổng giám đốc hỏi tôi làm vậy có gì sai không, tôi khẳng định là chỉ đúng chứ không sai. Vậy mà bây giờ tôi lại… phập phồng”. Anh An cho biết, theo ngành GD-ĐT khuyến cáo, với mặt bằng 1.000m², chỉ được giữ 50 cháu. Do vậy, với 200 cháu như hiện nay, công ty phải nâng cấp nhóm trẻ lên thành trường, phải xin phép và mở rộng diện tích, nếu không sẽ bị xem là vi phạm, nhưng công ty còn mặt bằng đâu mà mở rộng.

Mới đây, tại hội thảo “Vai trò của công đoàn trong chăm lo cho con công nhân lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo” do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, đại diện Công ty Việt Nam Samho đã trình bày những khó khăn khi tổ chức giữ trẻ cho con công nhân mà lại phải phập phồng đối diện với những quy định ngặt nghèo của ngành GD-ĐT.

Ghi nhận ý kiến phản ánh này, chiều ngày 14-4, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã trực tiếp đến công ty, tham quan nhóm trẻ, ghi nhận những khó khăn và chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện hỗ trợ công ty. Theo đó, sở đề nghị công ty khẩn trương làm đề án cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp nhóm trẻ lên thành trường mẫu giáo. Sau cuộc làm việc với lãnh đạo sở, Công ty Việt Nam Samho vui vì không phải lo lắng vi phạm quy định.

Hiện nay, số nhà giữ con công nhân tại TPHCM chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi có hàng trăm ngàn công nhân tại các KCN-KCX đang có nhu cầu gửi trẻ ở nơi tin cậy, thuận tiện. Xã hội hóa việc tổ chức nhóm trẻ, nhà trẻ hay trường mẫu giáo tại các KCN-KCX là hướng đi đúng. Vấn đề là địa phương và ngành GD-ĐT phải vào cuộc để hỗ trợ cho doanh nghiệp, linh hoạt mở lối để doanh nghiệp không bị cản trở bởi các quy định, thủ tục khó khăn như hiện nay.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục