Hóa đơn… hóa khổ!

Việc quản lý hóa đơn nhằm phục vụ cho việc khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường của chúng ta hiện nay có quá nhiều loại hình kinh doanh nhỏ lẻ và điều đó càng khiến công tác quản lý khó khăn hơn.

Thế nhưng, việc hướng dẫn của Bộ Tài chính mới đây (Công văn số 17526/BTC-TCT ngày 01-12-2014 hướng dẫn thi hành qui định tính mức thuế khoán cho các hộ kinh doanh cá thể) được áp dụng từ ngày 1-1-2015 khiến các hộ kinh doanh cá thể nhốn nháo lên vì những quy định đổi mới. Trước đây, hộ kinh doanh cá thể được phân loại thành 2 loại: hộ không xác định được doanh thu thì thực hiện theo thuế khoán; hộ xác định được doanh thu thì được quyền mua hóa đơn của cơ quan thuế để xuất bán cho khách hàng và được tính thuế theo tỷ lệ % nhân (x) với doanh thu trên tổng hóa đơn của tháng. Quy định này đã được áp dụng khá “ổn” nhiều năm qua, nhưng rồi “câu chuyện một đêm” xảy ra khi Bộ Tài chính quy định hộ kinh doanh cá thể không được mua hóa đơn nữa và chỉ thực hiện thuế khoán. Nếu muốn xuất hóa đơn thì hộ kinh doanh cá thể phải làm thủ tục chuyển sang loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Anh Nguyễn Bảo Thiện, hộ kinh doanh cá thể ở huyện Bình Chánh cho biết, là các hộ hết sức bất ngờ khi phải chuyển loại hình kinh doanh thành doanh nghiệp hoặc công ty thì mới được mua hóa đơn xuất cho khách hàng. Nếu tính thời gian Bộ Tài chính ban hành công văn hướng dẫn đến thời hạn có hiệu lực đúng 1 tháng thì chờ được cơ quan thuế cấp dưới thông báo đến hộ kinh doanh cá thể chỉ còn lại khoảng nửa tháng. Một thủ tục chuyển đổi loại hình kinh doanh theo thời hạn quy định từ đăng ký ở Sở Kế hoạch - Đầu tư đến đăng ký thuế… ít nhất cũng tốn gần 1 tháng. Đó là suôn sẻ, còn đối với hộ kinh doanh cá thể vốn không rành thủ tục thì thời gian kéo dài hơn, ấy vậy mà văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ cho thời gian quá ngắn khiến hộ kinh cá thể không trở tay kịp!

Các hộ kinh doanh cá thể ở huyện Bình Chánh cũng như các hộ kinh doanh cá thể khác vô cùng hoang mang gởi kiến nghị khắp nơi đối với quy định “gấp rút” này. Họ cho rằng việc chuyển đổi không kịp sẽ không có hóa đơn để xuất cho khách, nhất là khách của nhà hàng, công ty cần phải có hóa đơn. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra là hầu hết các hộ quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có 2 - 3 người thì tại sao phải buộc họ thành lập doanh nghiệp, công ty để làm gì? Hơn nữa, việc chuyển đổi loại hình kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian, chi phí của tất cả hệ thống liên quan bởi số lượng hộ kinh doanh cá thể trên cả nước là rất nhiều. Nếu không xử lý vấn đề này hợp lý, chẳng khác nào cơ quan quản lý nhà nước đang làm xáo trộn thị trường khi các hộ kinh doanh cá thể không chuyển đổi kịp, buộc phải mua hóa đơn của các doanh nghiệp, công ty khác để xuất bán cho khách hàng.

Một chính sách đúng sẽ kích thích thị trường, nhưng một chính sách “nóng vội” sẽ có nguy cơ “đốt cháy” thị trường. Những kiến nghị từ thực tế, theo chúng tôi, rất đáng để cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp phù hợp.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục