Họa sĩ Trần Hồng Vân: Khát vọng phát triển ngành thiết kế sân khấu chuyên nghiệp

Trong 19 năm làm nghề, họa sĩ Trần Hồng Vân đã thiết kế sân khấu cho gần 500 vở diễn, chương trình nghệ thuật... Chị đã đoạt 6 huy chương vàng cá nhân về thiết kế sân khấu và 28 giải vàng tập thể cùng các ê kíp sáng tạo nghệ thuật.
Họa sĩ Trần Hồng Vân

Họa sĩ Trần Hồng Vân

* PHÓNG VIÊN: Sau 19 năm hoạt động trong ngành thiết kế sân khấu, theo chị, sân khấu hiện cần gì để phát huy sức sáng tạo của người làm nghề cũng như kiến tạo những giá trị đặc biệt?

* Họa sĩ TRẦN HỒNG VÂN: Khi tôi học về thiết kế sân khấu ở Trung Quốc và sau này được tiếp xúc với nhiều chương trình nghệ thuật của nước ngoài, tôi thấy khán giả trầm trồ vì các chương trình nghệ thuật quốc tế quá đẹp, hoành tráng, lộng lẫy.

Khi đó, tôi nhận thấy những bậc tiền bối trong lĩnh vực sân khấu Việt Nam rất giỏi, bởi cô chú chưa được trang bị đầy đủ điều kiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại như thế giới nhưng vẫn làm được những điều rất tuyệt vời, phát huy tối đa tính chất nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong dàn dựng tác phẩm, đạt nhiều thành tựu. Từ đó cho thấy, nếu sân khấu Việt Nam được quan tâm đầu tư đúng mức, được trang bị đầy đủ hơn, sẽ phát triển nhanh, mạnh, vươn ra thế giới.

Tư duy họa sĩ sân khấu rất linh động, nhưng nghệ thuật vẫn luôn cần có cơ sở vật chất, kỹ thuật, khoa học - công nghệ hiện đại hỗ trợ. Hơn thế nữa, tư duy sáng tạo cũng cần được thay đổi, cập nhật, phát huy rộng hơn, sâu hơn, đồng thời cần thêm nhiều người cùng tham gia để có sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển nhanh, không tồn tại tình trạng độc quyền.

* Chị nhận định như thế nào về vai trò của lực lượng thiết kế sân khấu chuyên nghiệp hiện nay? Đội ngũ trẻ hiện nay ra sao?

* Người làm thiết kế sân khấu chuyên nghiệp tại TPHCM hiện đếm không quá đầu ngón tay, vì đối tượng theo học chuyên ngành này khá ít. Muốn thu hút nhân tài, chúng ta cần trọng dụng những người làm công tác dàn dựng. Nhiều đạo diễn có xu hướng có gì dùng đó, lắp ghép cảnh sao cho phù hợp là được.

Dù sao, những vở nào có người thiết kế sân khấu tham gia mới đạt hiệu quả cao về hiệu ứng dàn dựng. Trong từng vở, cảnh diễn, bối cảnh không gian rất quan trọng, vì đó là điều đầu tiên cuốn hút khán giả, giữ chân người xem dõi theo câu chuyện của sàn diễn. Việc nghe và cảm luôn đến sau ánh nhìn, nên nhất thiết phải đầu tư cái nhìn đủ chất lượng, hấp dẫn để trao tặng cho khán giả. Với nhiều khán giả thường đi xem kịch, nếu vở nào cũng sử dụng vài cảnh trí cũ, họ dễ chán.

Một số bạn trẻ tay ngang lao vào lĩnh vực thiết kế sân khấu, tuy có cảm hứng và đam mê, có những cái hay, mới, lạ, nhưng vì thiếu kiến thức nền nên không ít tác phẩm sân khấu khi hoàn thành bị lỗi, nhiều sạn, phong cách thiết kế không ổn định.

* Khi bắt tay làm việc, chị thúc đẩy tư duy sáng tạo của mình như thế nào?

* Tôi là người có thể thuyết phục các đạo diễn chấp nhận thực hiện theo bản vẽ của tôi và tìm được những đơn vị thi công - đối tác thực hiện sân khấu tốt và hợp ý, như nghệ nhân Văn Tòng và con trai chú - anh Văn Hòa, hay ê kíp của Thế Hưng... Tôi có thể lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ, chọn luôn loại vật liệu thi công phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, tôi cũng thực hiện việc vẽ bản chạy hậu đài sân khấu để khi diễn cảnh trí của vở di chuyển nhịp nhàng, ăn khớp.

Khi nhận kịch bản, tôi làm việc với đạo diễn, sau đó tập trung đọc sâu nội dung kịch bản để hiểu bối cảnh, câu chuyện. Đọc xong, tôi bắt tay làm việc trong vòng 3-5 ngày là hoàn thành phần thiết kế sân khấu. Khi đọc kịch bản, tôi gần như tìm được khoảng 70% chất liệu thiết kế và dàn dựng tác phẩm.

Tôi tiếp tục trau chuốt bản vẽ, bàn bạc thêm với đạo diễn để chốt lại thiết kế hoàn chỉnh, rồi bắt tay thực hiện. Tư duy sáng tạo rất quan trọng với người làm nghệ thuật; và công việc thiết kế sân khấu nếu không có tư duy sáng tạo nhanh nhạy, sự tưởng tượng phong phú thì người làm công tác thiết kế sân khấu dễ ôm hoài một tác phẩm mà không biết đường ra.

* Chị mong mỏi điều gì cho ngành nghề mình theo đuổi?

* Tôi luôn ước ao chúng ta có được một chương trình đạt chuẩn quốc tế, phục vụ du khách. Nó sẽ cần một sân khấu chỉn chu, hoành tráng, mang đậm bản sắc Việt Nam, được đầu tư hoàn hảo từ lực lượng diễn viên, đạo diễn, thiết kế, âm thanh, ánh sáng, nội dung, tính nghệ thuật… khiến người xem thích thú, ấn tượng.

Tôi vừa ra mắt Học viện sáng tạo Mây Đỏ chuyên về thiết kế nhận dạng thương hiệu doanh nghiệp và đào tạo, chủ yếu là đào tạo thiết kế sân khấu và đào tạo nhân tài. Học viện là bước khởi đầu để tôi thực hiện ước mơ lớn của mình: đào tạo người có năng khiếu theo chuyên ngành thiết kế sân khấu đạt chuẩn, đây sẽ là lực lượng thiết kế sân khấu kế thừa, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Họa sĩ Trần Hồng Vân đoạt các huy chương vàng - giải thưởng Họa sĩ xuất sắc với các vở diễn: Dòng nhớ, Đào Duy Từ, Tình yêu thời chiến, Lằn ranh, Khúc nguyệt cầm, Chiếc áo thiên nga. Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc tổ chức tại Long An vào cuối năm 2022, chị nhận thiết kế đến 11 vở. Chị cũng tham gia thiết kế sân khấu nhiều vở cải lương, như: Hiu hiu gió bấc, Hồn của đá, Ngược gió, Câu hò đất mẹ, Ngàn năm mây trắng, Bên dòng Long Khốt và một số vở kịch, như: Mẹ chồng rắc rối, Bí mật trăm đốt tre, Chuyện làng, Ngày hội cái bang…

Tin cùng chuyên mục