Hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ đại biểu Quốc hội

Thảo luận tại cuộc họp, một số ý kiến nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cơ cấu ĐBQH theo hướng tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, điều quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hoạt động của ĐBQH là tăng cường các công cụ hỗ trợ đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Ngày 10-8 tại Nhà Quốc hội đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH)” nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

“Trình độ học vấn, chuyên môn, chất lượng của ĐBQH khóa XV đã được nâng lên, nhưng cần tiếp tục nâng cao với mục tiêu đã tốt rồi cần tốt hơn nữa, đáp ứng mong muốn của Đảng, Nhà nước, bởi Đề án không chỉ phục vụ cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà cho cả các khóa Quốc hội tiếp theo”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Ban chỉ đạo đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, các cơ quan ở Trung ương, cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến nội dung Đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc hoàn thiện Đề án đảm bảo chất lượng; bám sát mục đích yêu cầu, đúng trọng tâm, trọng điểm; chỉ đưa vào Đề án những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được kiểm nghiệm, chứng minh trong thực tiễn.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về Đề án

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về Đề án

Tiếp đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đã trình bày Tờ trình Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Theo Tờ trình, Đề án gồm 4 phần: khái quát về ĐBQH, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của ĐBQH; thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của ĐBQH; giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH và xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của ĐBQH trong các nhiệm kỳ tiếp theo; tổ chức thực hiện.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, dự thảo Đề án đưa ra các giải pháp: hoàn thiện cơ chế liên quan đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH; tăng cường trách nhiệm, hỗ trợ ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH; xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của ĐBQH.

Thảo luận tại cuộc họp, một số ý kiến nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cơ cấu ĐBQH theo hướng tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, điều quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hoạt động của ĐBQH là tăng cường các công cụ hỗ trợ đại biểu.

Cụ thể là cung cấp thông tin cho đại biểu; thành lập văn phòng giúp việc; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mang tính kỹ thuật chuyên ngành, chuyên sâu, nhất là trong các lĩnh vực pháp luật, tài chính - kinh tế cũng như kỹ năng hoạt động nghị trường cho đại biểu; có cơ chế thuê chuyên gia và các điều kiện bảo đảm…

Tin cùng chuyên mục