Dùng điện não đồ để xác định người nghiện ma túy

Hoàn toàn sai

GS Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng BV Châm cứu TƯ:Còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác
Hoàn toàn sai

Thời gian vừa qua, Bệnh viện (BV) Châm cứu TƯ và Ban chỉ đạo 03 tỉnh Sơn La đã sử dụng phương pháp điện não đồ (ĐNĐ) để phát hiện người nghiện ma túy tại tỉnh Sơn La. Với phương pháp này, khi bị kết luận là có sử dụng ma túy, một số người đã kêu oan. Với sự lên tiếng của công luận, Thanh tra Bộ Y tế đã vào cuộc. Để làm rõ hơn vấn đề này, báo SGGP đã phỏng vấn ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Trưởng Ban phòng chống tái nghiện ma túy Bộ Y tế.

Hoàn toàn sai ảnh 1

Ông Trần Quang Trung

Sau khi công luận lên tiếng về sự phi lý của vấn đề này, tại công văn số: 6562 /BYT-Ttra gửi BV Châm cứu TƯ và Sở Y tế Sơn La, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Sơn La dừng ngay việc áp dụng phương pháp ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy và thực hiện theo đúng các văn bản hiện hành của Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức triển khai điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, trao đổi với PV SGGP, ông Trần Quang Trung khẳng định thêm: “Phương pháp ĐNĐ chỉ là một trong những tiêu chí giúp theo dõi trong quá trình điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy. Và đây là một đề tài nghiên cứu khoa học của BV Châm cứu TƯ đã được Bộ Y tế đồng ý cho triển khai vào thực tế từ mấy năm nay. Hiện Bộ Y tế chưa cho phép dùng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy”...

- Tại sao lại có mối liên hệ giữa “phương pháp ĐNĐ đối với quá trình điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy” của BV Châm cứu TƯ và cách làm “dùng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy” được cho là tùy tiện của Sơn La?

- Đó là do Bộ Y tế đã yêu cầu BV Châm cứu TƯ triển khai phương pháp điện châm hỗ trợ cai nghiện cắt cơn cho các tỉnh thành. Hàng năm BV đều tiến hành chuyển giao phương pháp này cho các địa phương, trong đó nói rõ ĐNĐ chỉ là một tiêu chí để theo dõi quá trình cắt cơn cai nghiện bằng phương pháp điện châm. Bộ Y tế giao nhiệm vụ như vậy, còn việc phổ biến, hướng dẫn như thế nào là trách nhiệm của BV Châm cứu TƯ; các tỉnh thực hiện phải theo đúng quy định của bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân.

- Liệu có hay không việc trong quá trình triển khai phương pháp điện châm hỗ trợ cai nghiện cắt cơn cho các tỉnh thành, BV Châm cứu TƯ đã có sai sót, ví dụ như khẳng định ĐNĐ là phương pháp phát hiện người nghiện ma túy, khiến tỉnh Sơn La làm theo?

- Chúng tôi đã họp với BV Châm cứu TƯ và BV khẳng định không hướng dẫn như vậy. BV chỉ hướng dẫn phương pháp điện châm hỗ trợ điều trị cai nghiện đúng như quy định của Bộ Y tế. Trên thực tế, hàng năm BV tiến hành hướng dẫn phương pháp này cho rất nhiều địa phương trong cả nước, tuy nhiên chỉ duy nhất Sơn La làm như vậy (coi ĐNĐ là phương pháp phát hiện người nghiện ma túy). Như vậy sai sót ở đây thuộc về cách làm của địa phương.

Tôi xin khẳng định lại, ĐNĐ là cách rất tốt để theo dõi quá trình điện châm hỗ trợ cắt cơn cai nghiện. Nhưng dùng ĐNĐ để xác định ma túy là hoàn toàn sai. Vì vậy, khi công luận lên tiếng, tỉnh Sơn La đã phải chấp nhận dừng ngay việc làm đó, đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu phải phục hồi danh dự, nhân phẩm và mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống cho những người bị kết luận sai. Còn việc phải làm rõ trách nhiệm sai sót thuộc về ai, khâu nào là của địa phương.

- Theo ông, ĐNĐ có thể là một phương pháp tốt để xác định nghiện ma túy?

- Như trên tôi đã nói, phương pháp ĐNĐ chỉ là một trong những tiêu chí giúp theo dõi trong quá trình điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy. Bộ Y tế chưa cho phép dùng ĐNĐ để phát hiện người nghiện ma túy. Tuy nhiên, nếu BV Châm cứu TƯ muốn đưa phương pháp ĐNĐ là một trong những phương pháp để xác định người nghiện ma túy cần phải báo cáo để Bộ Y tế xem xét và cho phép, từ đó có đề tài nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học rồi mới triển khai.

- Xin cảm ơn ông.

QUANG PHƯƠNG

GS Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng BV Châm cứu TƯ:
Còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác

Nếu chỉ dùng phương pháp ĐNĐ để kết luận một người nghiện hay không nghiện ma túy là chưa đúng. ĐNĐ là phương pháp chẩn đoán y học đã được Bộ Y tế Việt Nam và thế giới công nhận, song nó không phải là phương pháp chẩn đoán độc lập, mà còn phải dựa vào 4 yếu tố khác nữa (gồm kết quả xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kết quả chụp và khám lâm sàng). Nếu chỉ sử dụng phương pháp ĐNĐ thì không thể kết luận là nghiện ma túy.

Tin cùng chuyên mục