Hoạt động xuất bản phải trở thành “binh chủng” đặc biệt trong đấu tranh, phản biện

Ngày 28-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển. Đây là một hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2022).

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, yêu cầu các cơ quan tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, nhạy bén trong triển khai thực hiện, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan lãnh đạo, quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế thông suốt cho hoạt động xuất bản để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong bối cảnh tình hình mới, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một “binh chủng” đặc biệt trong việc đấu tranh, phản biện, cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tin cùng chuyên mục