Học Bác không ngừng sáng tạo

Tại Trường Cao đẳng nghề Số 7 (TPHCM) thuộc Quân khu 7, mô hình “Máy phay CNC công nghiệp cắt gọt kim loại” do Thạc sĩ Phan Thị Thúy Liễu, Trưởng khoa Cơ khí, cùng 2 giảng viên Ngô Thị Hoa, Huỳnh Phạm Bảo Ngọc sáng chế đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng thực hành tại chỗ cho sinh viên.
Đây cũng là kết quả thiết thực của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do trường phát động.
Trong đào tạo nghề, bên cạnh những kiến thức về lý thuyết thì kỹ năng thực hành thực tế rất quan trọng, giúp sinh viên sau khi ra trường và đi làm sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Để có những kỹ năng thực tế đó, ngoài phương thức liên kết với doanh nghiệp cho sinh viên kiến tập, thì các đơn vị đào tạo phải trang bị cơ sở vật chất, phương tiện thực hành cho sinh viên ngay tại lớp học.
Học Bác không ngừng sáng tạo ảnh 1 Nhóm tác giả cùng sinh viên Khoa Cơ khí trong giờ thực hành bên mô hình máy phay CNC công nghiệp cắt gọt kim loại
“Riêng đối với ngành cơ khí chế tạo thì phương tiện thực hành là vô cùng cần thiết, giúp sinh viên nâng cao tay nghề, đọc được bản vẽ tốt hơn, hiểu sâu hơn về mối tương quan giữa quá trình thiết kế và chế tạo sản phẩm. Đó là lý do chúng tôi cho ra đời những sáng kiến cải tiến”, Thạc sĩ Phan Thị Thúy Liễu, chủ nhiệm đề tài sáng kiến, chia sẻ.
Máy phay CNC công nghiệp là một thiết bị không thể thiếu trong các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực cơ khí chế tạo. Nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này cũng rất lớn.
Trước thực tế đó, 3 nữ giảng viên của Khoa Cơ khí đã chế tạo mô hình “Máy phay CNC cắt gọt kim loại”, có công năng giống như máy thật, có thể cắt gọt được trên các nguyên liệu nhựa, nhôm và gỗ, sinh viên dễ dàng thao tác và vận hành, cắt gọt theo yêu cầu từ đơn giản tới phức tạp; chi phí chế tạo mô hình chưa tới 50 triệu đồng (nếu trang bị máy CNC công nghiệp thật thì chi phí lên tới 4 - 5 tỷ đồng/máy).
Mô hình có kích thước nhỏ gọn, cấu tạo đơn giản, thuận tiện khi di chuyển, chi phí vận hành thấp, dễ dàng thay thế, nâng cấp, sửa chữa, đã đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nghề cơ khí của nhà trường.
Thạc sĩ Phan Thị Thúy Liễu cho biết, lúc bắt đầu chế tạo mô hình cũng gặp không ít khó khăn vì liên quan đến nhiều lĩnh vực: hàn tiện, cắt gọt, kỹ thuật điện và lập trình. Tất cả phải đồng bộ và kết nối với nhau. Sau nhiều lần vận hành thất bại, được điều chỉnh sửa chữa, mô hình đã đạt yêu cầu về kỹ thuật như mong muốn.
Nói về việc ra đời sáng kiến, giảng viên Ngô Thị Hoa bộc bạch: “Chúng tôi mong muốn giúp các em có những bài thực hành thực tế, chứ không chỉ học lý thuyết suông nhàm chán. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi nằm trong chương trình hành động của trường, và gắn việc học tập Bác vào ngay chính công việc cụ thể của mình”.
Đây là mô hình đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng kiến, cải tiến mô hình trang thiết bị huấn luyện toàn quân; giải nhì Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm của TPHCM năm 2016. 

Tin cùng chuyên mục