Đến hẹn lại lên, chương trình trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho sinh viên ngành y vượt khó học giỏi lần thứ 14 (2012) lại sắp bắt đầu. Có dịp gặp gỡ các bạn sinh viên từng nhận học bổng, được nghe các y, bác sĩ tương lai tâm sự về chuyện học hành, sinh hoạt đời thường mới thấy học bổng này có ý nghĩa như thế nào với họ…
Phan Thanh Thanh Vân, sinh viên Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, tâm sự: Một năm trôi qua kể từ ngày nhận được học bổng là một năm đầy ý nghĩa đối với Vân. Không chỉ đủ để trang trải tiền học phí suốt năm mà em còn mua tài liệu để nghiên cứu thêm vào mỗi tối sau giờ học thay vì trước đây phần lớn phải photocopy. Cũng nhờ có học bổng làm điểm tựa, Vân đã dành dụm được ít tiền từ các khoản sinh hoạt phí khác để đăng ký học thêm ngoại ngữ, điều mà trước đó cô không dám nghĩ tới với hoàn cảnh khó khăn như mình. Thanh Vân chia sẻ, những buổi trưa nắng gắt, ngồi trên giảng đường, biết cha mẹ ở nhà đang phải gồng mình gánh vác công việc đồng áng giữa cái nắng Tây Nguyên còn gay gắt hơn (đã không ít lần mẹ em ngất xỉu vì làm quá sức) nên càng phải quyết tâm học.
Thật vậy, sau một năm miệt mài, kết quả học tập năm đầu của Vân đạt loại khá và học kỳ đầu tiên của năm thứ 2 đã vươn lên xếp loại giỏi. “Em rất bất ngờ khi biết mình được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Thông qua Báo SGGP, em nhận được học bổng nhưng vẫn mong sẽ được gặp bà Năm Quấc. Mới đây, ngày 1-4-2012, cuộc gặp mặt với bà Năm tại nhà bà đã giúp em hiểu thêm về nguồn gốc của học bổng và ý nghĩa của nó. Em tự hứa với lòng mình là sẽ cố gắng để không phụ lòng gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc. Em rất biết ơn Báo SGGP đã làm cầu nối để em và những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác có cơ hội và điều kiện học tập tốt hơn”- Thanh Vân bày tỏ.
Cô bác sĩ tương lai Dương Thị Cẩm Tuyên mồ côi cha từ năm lên 2 tuổi, một mình mẹ quần quật quanh năm suốt tháng làm thuê nuôi 3 con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngày Tuyên đậu vào Đại học Y cả nhà đều bất ngờ và vui nhưng mẹ em thì đau đáu nỗi lo vì không biết có đủ sức lo cho cô con gái ăn học đến khi ra trường? Những tháng ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, ngoài phần tiền ít ỏi nhận được từ gia đình, tất cả chi phí còn lại Tuyên đều phải tự lo từ việc làm gia sư ngoài giờ lên lớp. Vừa làm vừa học, không quản ngại khó khăn nhưng cũng có lúc gánh nặng chi phí ăn học làm cô gái trẻ gần như đuối sức. Ấy vậy nhưng quá thương mẹ lam lũ nơi quê nghèo, Tuyên không chút xao nhãng việc học.
Và tin vui cũng đã đến với Tuyên khi em được chọn trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng ngay năm học đầu tiên vì thành tích học tập đạt loại khá. “Với em, được nhận học bổng này là niềm vinh hạnh và may mắn lắm rồi. Học bổng giúp em thêm nhiều động lực để không ngừng vươn lên trong học tập”- Tuyên xúc động nói.
Tuy không ở tỉnh xa lên thành phố học như các bạn khác nhưng Cao Thị Lan Hương, sinh viên lớp Y2007, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng là một điển hình vượt khó. Căn nhà nhỏ chật hẹp trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 là nơi chứng kiến những nỗ lực và mơ ước được học ngành y của Lan Hương. Ngày biết tin cô đậu đại học, mà lại đậu 2 trường (Đại học Y và Đại học Ngân hàng) cả xóm phải thán phục trước ý chí của cô gái con nhà nghèo, ba làm công nhân, mẹ may vá. Năm học đầu tiên ở trường y cũng rất chật vật đối với Hương. Gánh nặng học phí, tài liệu, thực tập… đè lên đôi vai ba mẹ có lúc khiến Hương cảm thấy việc đi hết con đường đại học sao quá xa vời.
“Giữa lúc em và ba mẹ đều trăn trở, lo lắng thì học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã cho em niềm tin vào tương lai và em đã luôn cố gắng để không phụ sự quan tâm của mọi người dành cho mình”- Lan Hương nói. Thật vậy, suốt 5 năm sau khi được nhận học bổng toàn phần do gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc tài trợ, tất cả các môn học Hương đều đạt điểm khá giỏi. Kết thúc câu chuyện, cô sinh viên với đôi mắt sáng quả quyết với chúng tôi rằng, em sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để phục vụ thật tốt cho cộng đồng.
Chia tay các thầy thuốc tương lai với sức trẻ đầy nhiệt huyết, chúng tôi thầm mong tất cả sinh viên ngành y được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng sẽ luôn giữ vững được thành tích học tập, rèn luyện mà các bạn đã rất nỗ lực đạt được để khi ra trường trở thành những bác sĩ có tài - đức - tâm.
Mai Nguyễn