Học bổng Vững lòng biển đảo của Báo SGGP - Tiếp sức con ngư dân nghèo Sóc Trăng

Từ TP Sóc Trăng, đoàn công tác Báo SGGP theo quốc lộ 934 về Trần Đề, một huyện ven biển ở cuối bờ Nam sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng. Từ khi có con đường Nam sông Hậu mới mở chạy qua, đời sống của người dân quanh khu vực này dần thay đổi, nhiều nhà mới mọc lên. Nhiều cánh đồng năn còi cọc ngày nào nay thành vườn xoài, nhãn, ổi, cam... Tuy nhiên, phía sau những bờ đê, thửa ruộng đó vẫn còn khá nhiều gia đình dân nghèo, thiếu trước hụt sau, một số trẻ em có thể bỏ học giữa chừng. Trong đó phải kể đến con cháu của những ngư dân nghèo quanh năm chỉ biết làm thuê mướn trên tàu đánh cá.

Từ TP Sóc Trăng, đoàn công tác Báo SGGP theo quốc lộ 934 về Trần Đề, một huyện ven biển ở cuối bờ Nam sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng. Từ khi có con đường Nam sông Hậu mới mở chạy qua, đời sống của người dân quanh khu vực này dần thay đổi, nhiều nhà mới mọc lên. Nhiều cánh đồng năn còi cọc ngày nào nay thành vườn xoài, nhãn, ổi, cam... Tuy nhiên, phía sau những bờ đê, thửa ruộng đó vẫn còn khá nhiều gia đình dân nghèo, thiếu trước hụt sau, một số trẻ em có thể bỏ học giữa chừng. Trong đó phải kể đến con cháu của những ngư dân nghèo quanh năm chỉ biết làm thuê mướn trên tàu đánh cá.

Chung sức chia sẻ một phần khó khăn của bà con ngư dân nghèo ở các huyện vùng biển của Sóc Trăng, Báo SGGP đã vận động doanh nghiệp và các bạn đọc hảo tâm, chung lòng đóng góp Chương trình Vững lòng biển đảo nhằm giúp các chiến sĩ Hải quân, các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang làm nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn biển đảo và bà con ngư dân nghèo.

Với mục đích ý nghĩa đó, đoàn công tác xã hội Báo SGGP đến đây tặng 20 học bổng (1 triệu đồng/phần) giúp con ngư dân nghèo tỉnh Sóc Trăng. Thầy Trương Thanh Hải, đại diện Phòng Giáo dục huyện Trần Đề cảm kích: “Việc làm đầy nghĩa tình của Báo SGGP và bạn đọc có ý nghĩa rất sâu sắc. Với học bổng 1 triệu đồng, thật sự nó rất to lớn với những gia đình ngư dân nghèo, sẽ giúp những em có nguy cơ nghỉ học, tiếp tục được đến trường. Tôi mong mỏi với nghĩa cử tốt đẹp này, Báo SGGP tiếp tục đến với nhiều em học sinh nghèo, cơ nhỡ của Trần Đề cũng như nhiều địa phương khác”.

Từ huyện Trần Đề, chúng tôi qua cầu Đại Hải đến Vĩnh Châu, xứ sở củ hành tím. Vĩnh Châu đã lên thị xã, đường sá mở rộng, 2 bên đường rất nhiều nhà xây mới. Vụ mùa này, nông dân Vĩnh Châu trúng mùa củ hành tím nhưng lại bị rớt giá, nhiều người thất bát, ảnh hưởng đến cả những gia đình ngư dân nghèo. Thầy Trịnh Văn Lộc, Phó phòng Giáo dục thị xã Vĩnh Châu cho biết Vĩnh Châu có 37.000 hộ dân, trong đó hơn 17.000 hộ nghèo. Hàng năm cứ vào cuối tháng 3 âm lịch, khi vừa dứt tết Khmer, lượng học sinh bỏ học tại các trường có khi đến phân nửa. Nhất là ở 7 xã ven biển, rất khó khăn, các em học sinh bỏ học để tủa đi khắp nơi tìm việc làm.

Bà Kim Sên, bà nội của cháu Kim Thị Bích Mi, học sinh lớp 2A Trường Tiểu học 2 phường 3 thị xã Vĩnh Châu, cầm bao thơ học bổng 1 triệu đồng, xúc động rưng rưng: “Tui định cho cháu nghỉ học, vì hết cách rồi, cha nó đi làm thuê tàu cá, có bao nhiêu tiền đâu, tui với mẹ nó làm củ hành gặp lúc bán không được, nên không ai mướn. Nay nhờ có 1 triệu đồng này, tôi quyết để dành lo cho cháu đi học”. Bà Kim Sên vuốt chiếc áo thun trắng đã ngả màu vàng hoe cùa cháu nội, và cho biết sẽ sắm cái áo mới để cháu đi học.

Chia tay các em nhỏ, chúng tôi vẫn bùi ngùi nhớ lời phát biểu mộc mạc trúng mùa của em Ngô Thị Mũi Nghếch, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Châu Văn Đơ khiến những người làm báo thấy ấm lòng làm sao, rằng: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để đáp lại tình cảm của Báo SGGP và cô bác bạn đọc hảo tâm đã giúp đỡ chúng em được đến trường, em hứa dù trong hoàn cảnh nào em cũng không bỏ học”.

TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục