Vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện một số đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu văn hóa phẩm hoặc ấn bản, xuất bản phẩm có hình ảnh, nội dung vi phạm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Điều đáng chú ý là các loại sách này đều là sách dùng trong giảng dạy, cụ thể là dạy ngoại ngữ (tiếng Hoa). Các vi phạm đều nằm ở phần bản đồ, ngôn từ vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Sở TT-TT TPHCM cũng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm kiểu như vậy. Các lỗi hay phạm phải nhất là vẽ bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, viết tên vùng biển Đông của Việt Nam thành “Biển Nam Trung Hoa”…
Cá biệt, có trường hợp còn in đường lưỡi bò Trung Quốc ngay trong sách dịch, thậm chí ngay cả vở học sinh khi in hình bìa có các bản đồ cũng phạm phải lỗi: không vẽ 2 quần đảo này của Việt Nam. Thậm chí trước đây trong một buổi giới thiệu “TPHCM 100 điều thú vị” tại Khách sạn Rex nhằm cổ vũ ngành du lịch TPHCM, đơn vị thực hiện chương trình cho chiếu trên màn ảnh bản đồ Việt Nam màu đỏ - làm nền cho tiết mục văn nghệ phục vụ - nhưng rất đáng tiếc là không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngay ở lứa tuổi học sinh cũng đã hình thành những ý thức riêng của mình. Tại một trường THCS, khi nghe giáo viên giảng “Đất nước ta cong cong hình chữ S”, một học sinh đã mạnh dạn đứng lên lễ phép thưa: “Em nghĩ có thể nói rõ hơn là đất nước ta phải là .S:”. Câu chuyện .S: (dấu chấm tượng trưng cho đảo Phú Quốc, dấu 2 chấm tượng trưng cho 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa - PV) đã lan ra và trở thành một minh chứng cho ý thức chủ quyền dân tộc cần cụ thể, chi tiết và nhận thức đó đang phát triển trong mỗi cá nhân bất kể độ tuổi, vai trò xã hội.
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), kể rằng sau một lần phát hiện sách nhập về có chi tiết sai lệch về chủ quyền Việt Nam, bộ phận kiểm tra sách nhập đã tăng thêm người. Tất cả sách nhất là các loại sách địa lý, bản đồ đều phải được đọc từng trang. Trong trường hợp có liên quan đến Việt Nam hay có hình vẽ bản đồ, việc kiểm tra phải qua nhiều người. Trường hợp phát hiện có chi tiết vi phạm chủ quyền, sai lệch lịch sử, sách sẽ bị trả lại ngay lập tức và cảnh báo với đối tác để tránh lặp lại.
Nỗ lực trong cuộc đấu tranh pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải của riêng ai. Đó không chỉ là chuyện của riêng chính phủ, các nhà ngoại giao, quân sự mà còn là công việc của mọi cá nhân yêu Tổ quốc, quý trọng những mảnh đất thiêng liêng mà tiền nhân để lại. Thế nhưng, với các vụ việc bị phát hiện vừa qua cho thấy đâu đó, ý thức về bảo vệ chủ quyền đất nước vẫn còn bị xem nhẹ. Và hệ lụy sẽ ra sao khi trẻ em Việt Nam lại vô tình phải học những bài học xúc phạm đến chủ quyền thiêng liêng của dân tộc?
TƯỜNG VY