Hóc Môn - dấu ấn một thời khẩn hoang

Trong một nghiên cứu viết về địa chí vùng đất Nam bộ xưa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã đánh giá, vùng đất Hóc Môn là một trong những nơi lưu đậm dấu ấn đặc trưng nhất của con người Nam bộ thời khẩn hoang.

Nghiên cứu của ông Nguyễn Đình Tư cùng nhiều chuyên gia có chung một khẳng định, Hóc Môn là địa danh đầu tiên của vùng đất Gia Định - khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử làm Kinh lược xứ Đồng Nai. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập phủ Gia Định với 2 huyện: Tân Bình và Phước Long (Biên Hòa ngày nay).

Vùng Tân Bình có 2 tổng là Dương Hòa và Tân Long. Dương Hòa chính là Hóc Môn, bao gồm vùng đất dọc bờ sông Sài Gòn phía bên này. Những nhóm cư dân đầu tiên vào đây định cư chính là ở Hóc Môn. Và cũng từ đó, vùng đất này trở thành trung tâm phát triển của vùng Sài Gòn - Gia Định trong những thập niên đầu của thời khẩn hoang.

Xe thổ mộ một thời

Xe thổ mộ một thời

Ngày ấy, người Hóc Môn làm kinh tế nông nghiệp, làng nghề, nông sản… cung cấp cho cả vùng. Những sản phẩm ấy vang danh tận ngày nay như trầu cau, hàng bông, tầm vông, trúc… Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa cũng theo đó có điều kiện phổ biến như hát đối giao duyên ngày mùa, hội đình, lễ kỳ yên, hái lộc, hát vần đổi công, hát tát đìa… Thậm chí có những thứ ban đầu chỉ là dịch vụ trong cuộc sống như những chiếc xe thổ mộ vùng Hóc Môn, không biết từ khi nào lại trở thành một nét văn hóa được nhắc đến trong văn học, hội họa, điện ảnh… như một đặc trưng văn hóa của cả vùng Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20.

Trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc sống, đã có lúc người ta dần quên đi những nét văn hóa đặc trưng của một thời xa xưa ấy. Thế nhưng, bằng một cách nào đó những nét văn hóa đó vẫn tồn tại, không chỉ trong trí nhớ của những người muôn năm cũ mà cả trong những người trẻ hiện nay. Nhắc đến cách mạng, đến vườn trầu, ai không nhớ đến 18 thôn Vườn Trầu đã đi vào sử sách, nhắc đến xe thổ mộ, ai chẳng hoài niệm một thời tuyến thổ mộ Bà Điểm - Hóc Môn.

Những ký ức tiếp nối đó như một dấu ấn khó phai về văn hóa. Người Hóc Môn đang biến những giá trị truyền thống, những ký ức văn hóa, lịch sử vùng đất Nam bộ, Hóc Môn thành sức mạnh mới, vừa bảo tồn những nét đẹp của thời gian, vừa biến những giá trị văn hóa này trở thành một tiềm năng, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của vùng đất Hóc Môn ngày nay.

Có thể bắt đầu từ tái hiện khung cảnh của Bà Điểm - 18 thôn Vườn Trầu với các làng quê Tiền Lân, Hậu Lân, vườn trầu, vườn cau, mô hình cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, các hội nghị của Trung ương Đảng, các cuộc họp của Xứ ủy Nam kỳ, các làng đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, làng hoa Nhị Bình, các công binh xưởng chế tác tầm vông, rèn giáo mác, dụng cụ sản xuất, các hầm hào chứa vũ khí, dụng cụ y tế trong kháng chiến chống Pháp. Và kết nối giữa những địa danh lịch sử đó là những chuyến xe thổ mộ, đưa du khách như sống lại những ngày tháng hào hùng đó.

Tin cùng chuyên mục