Không ít phụ huynh cũng đã cởi bỏ suy nghĩ cũ, chấp nhận cho con em học nghề để kiếm việc làm ngay thay vì phải nỗ lực “sắm” một tấm bằng đại học dù vượt quá khả năng của con trẻ.
Tăng cường thực hành
Sau mỗi đợt tuyển dụng nhân viên, anh Lê Quốc, giám đốc nhân sự của một hệ thống nhà hàng tên tuổi ở TPHCM chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy quá nhiều trăn trở, vì chất lượng cũng như số lượng dự tuyển khó đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Anh Lê Quốc lý giải, không ít sinh viên của ta quá chú trọng “đánh bóng” bảng thành tích học tập nhưng lại thiếu hụt các kỹ năng cần thiết, như tinh thần làm việc tập thể, hoạt động đội nhóm…
Trong khi đó, các bạn trẻ học tại các trường nghề lại đáp ứng tốt các tiêu chí tuyển dụng sát thực tế, vì các bạn được cọ xát, thực tập nhiều hơn.
Một món ăn được đầu bếp trẻ trình bày tại ngày hội về du lịch ở TPHCM
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia về du lịch, cho rằng dân ta mang nặng tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ, nên tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã xảy ra.
Nắm bắt tâm lý sợ thất nghiệp, thời gian gần đây, các trường đại học, cao đẳng đua nhau “treo biển” bảo chứng đầu ra cho sinh viên, với cam kết “90% - 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm”.
Thậm chí có nơi còn không ngại ngần cho biết, 100% sinh viên ra trường sẽ có việc làm. Đó là lời hứa, còn thực sự ra sao thì chỉ có trường và sinh viên sau khi ra trường mới biết được.
Bởi, theo một thống kê chưa chính thức đã đưa ra thông báo, các sinh viên tốt nghiệp nhưng làm trái ngành, nghề, vẫn có thu nhập thì… không thuộc diện thất nghiệp. Xem ra lời cam kết trên chẳng có gì gọi là thất hứa.
Để tránh “bẫy” thất nghiệp giăng sẵn, nhiều phụ huynh cũng đã chủ động chuyển hướng khuyến khích con cái quan tâm tới học nghề. Chưa kể, hàng loạt trò chơi giải trí trên truyền hình cũng đua nhau tung hô các cuộc thi nấu ăn dành cho đầu bếp trẻ, nên đây cũng chính là sức hút định hướng mới lan tỏa đến toàn xã hội.
Qua đó tác động “nhanh và liền” tới các bậc phụ huynh cũng như giới trẻ. “Chính mình cũng đã bị sức hấp dẫn của các cuộc thi đầu bếp lôi cuốn. Cách đây hơn 10 năm, khi còn là một cậu học trò nhỏ, mình đã mê mẩn với những đầu bếp châu Âu thông qua các bộ phim nổi tiếng thế giới.
Trong đó, diễn viên đóng vai đầu bếp thường ăn mặc sang trọng, nấu món ăn đẳng cấp cùng những bộ dao, nĩa sáng choang, đẹp mê hồn, khiến mình ngẩn ngơ. Sau này chính thức đi làm, lăn xả hứng chịu nhiều bầm giập trong nghề bếp, có những lúc móc cống thoát nước bị nước ăn tay dẫn tới mưng mủ; quần áo lúc nào cũng lấm lem dính mùi dầu mỡ… nhưng mình vẫn không nản lòng. Bởi vì mình tin rằng, mình đã và đang đi đúng hướng”, đầu bếp nổi tiếng Cẩm Thiên Long tâm sự.
Thu nhập tốt
Nhìn vào đĩa trái cây đãi tiệc giống như một khu vườn cổ tích rực rỡ, ngọt ngào do Mai Văn Thái, học viên chuyên ngành bếp Việt (Trường Trung cấp nghề Việt Giao, đường Bà Hạt, quận 10) trưng bày, thực khách lưỡng lự không muốn ăn vì thấy tiếc.
Văn Thái chia sẻ, bạn vừa đi học vừa đi làm được khoảng 2 năm và tác phẩm này để thi cuối khóa. Những lúc rảnh rỗi, Văn Thái thường phụ trang trí các món ngon đãi tiệc cho một số nhà hàng tiệc cưới, thôi nôi…
Thu nhập mỗi tháng của Văn Thái từ 5-6 triệu đồng, cho 3-4 giờ làm việc/ngày. Nếu làm thêm ở nhiều nơi khác, cao điểm Thái có mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Không chỉ đối với nghề đầu bếp, các bạn trẻ học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch cũng đang có mức thu nhập ổn tại nhiều hãng lữ hành. Ngô Thị Thùy Loan, hướng dẫn viên du lịch của Công ty V. (quận Gò Vấp) tâm sự, dù mới đi làm được hơn 1 năm nay, nhưng do chăm chỉ rèn luyện nghiệp vụ, tận tâm với công việc nên Loan có mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Mặc dù chưa cao, nhưng mức thu nhập này cũng sẽ là động lực, tiền đề giúp Loan tiếp tục cống hiến với nghề nghiệp mình đã chọn. Theo Thùy Loan, trước đây, gia đình bạn quá khó khăn, nên ngay khi có giấy báo đậu vào đại học của một trường công lập tên tuổi trên địa bàn TP, Loan đã phải tạm hoãn ước mơ vào giảng đường.
Hơn 2 năm sau, khi kinh tế gia đình Loan đã tạm ổn, cộng với số tiền tích lũy làm thêm trong suốt 2 năm, Loan đã “khăn gói quả mướp” vào TPHCM nhập học tại một trường nghề và gắn bó với công việc đã chọn tới hôm nay.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng, đối với một xã hội năng động như hiện nay, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội để chọn lựa nghề nghiệp.
“Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, được Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm. Ngành kinh tế tổng hợp này sẽ là đầu tàu kéo những ngành kinh tế khác phát triển theo.
Do vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các bạn trẻ theo học các ngành nghề liên quan phục vụ cho du lịch (đầu bếp, hướng dẫn viên…) hoàn toàn có cơ hội rộng mở, thu nhập cao lên tới hàng ngàn USD mỗi tháng. Tất nhiên, để có mức thu nhập này các bạn trẻ phải chăm chỉ, trách nhiệm, tận tâm với nghề”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh