
Không khí tất bật và khẩn trương trên công trình xây dựng Trường Tiểu học Xuân Lâm (Sông Cầu, Phú Yên) làm người dân nơi đây tạm quên nỗi đau mất người, mất của sau trận bão lũ năm 2009. Đám học trò nhỏ cũng xúng xính thử đồng phục, soạn tập vở mới, để chuẩn bị nhập học trong ngôi trường tình nghĩa do Báo SGGP và Công ty Ace Life tài trợ.
Nhớ lại những ngày cơn bão số 11-2009 kéo theo trận lũ quét kinh hồn đi qua tỉnh Phú Yên, ngay khi cây cối, xác súc vật chết còn vương vãi khắp nơi, nhóm PV Báo SGGP đã có mặt ngay “tâm bão” thuộc hai huyện Đồng Xuân và Sông Cầu. Việc đầu tiên là giải quyết khâu cứu đói, hàng ngàn thùng mì đã được Báo SGGP chuyển đến tận tay các gia đình bị nạn ở Đồng Xuân. Không những thế, những người làm báo Đảng từ TPHCM còn phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa bác sĩ, thuốc men vào tận xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), khi chưa có bất kỳ đoàn cứu trợ nào vào được điểm này do địa hình sông Kỳ Lộ bị chia cắt.

Học sinh Trường TH Xuân Lâm phơi sách vở sau bão. Tháng 7-2010 này, các em sẽ có nơi học mới.
Hoàn thành nhiệm vụ tại Đồng Xuân, chúng tôi cùng đồng nghiệp Báo Phú Yên hướng sang huyện Sông Cầu, cũng là địa phương có nhiều nhà ở và công trình bị sập nhất miền Trung-Tây nguyên. Đi đến đâu, đoàn nhà báo cũng xúc động trước cảnh vật hoang tàn, các em học sinh ngơ ngác vì tập vở, bàn ghế, trường học… bỗng chốc trôi sạch. Quá xót xa, đoàn công tác đã liên hệ ngay về TPHCM để vận động được một số quần áo mới, bảng đen, cùng 300 cặp học sinh nhằm giúp các học sinh ở Xuân Lâm nhập học đúng ngày 5-9-2009. Ngay hôm sau, nhiều người bàng hoàng xúc động khi trên trang thời sự của Báo SGGP xuất hiện bài viết về ngày tựu trường đặc biệt ở Xuân Lâm, trong đó có tấm ảnh các em học sinh quây quần vừa nằm vừa viết bài (bàn ghế chưa có)…
Sau đó, Ban Chương trình – Xã hội Báo SGGP đã tổ chức chương trình ca nhạc “Vì miền Trung yêu thương” gây quỹ, xây được một trường tiểu học trị giá 1,2 tỷ đồng (do Công ty Bảo hiểm Ace Life tài trợ), một trường mẫu giáo trị giá 180 triệu đồng (do Công ty Phú Mỹ Hưng và Báo SGGP đóng góp ủng hộ) ở xã Xuân Lâm. Báo SGGP đã chuyển đủ 180 triệu đồng cho Báo Phú Yên để xây trường mẫu giáo và Công ty Ace Life, thông qua Báo SGGP, cũng đã chuyển 800 triệu đồng (trên tổng số 1,2 tỷ đồng) để địa phương thực hiện công trình trường tiểu học.
Tháng 2-2010, trở lại Sông Cầu, chúng tôi ghi nhận hình ảnh xúc động đến nao lòng khi giữa trưa, từng nhóm học sinh dắt díu nhau đến lớp học tạm (trong khi đợi xây Trường Xuân Lâm). Theo chân các em, chúng tôi bắt gặp một mái tôn che tạm đối diện ngôi trường cũ chỉ còn trơ gạch. Trên tấm bảng, lịch học được chia ra hai buổi với ca sáng dành cho nhóm lớp 2, 3; ca chiều dành cho nhóm lớp 4, 5. Tổng cộng có 156 học sinh chen chúc nhau, chia ca để học tại điểm trường tạm ấy. Và khi đo đếm, chúng tôi thấy nghẹn ngào khi diện tích mỗi điểm học tạm chỉ 30m2 với 10 bộ bàn ghế và tấm bảng.
Chặn đường cậu học trò nhỏ tên Nguyễn Duy Phong, chúng tôi được biết cậu đang học lớp 4A. Trưa hôm ấy Phong chở bạn cùng lớp là Ngô Thị Lan Quyên đến điểm học tạm bằng xe đạp. Phong nói đi học được xách tập và cặp mới của Báo SGGP cho (Phong không biết chúng tôi là nhà báo). Hỏi đi học ăn gì, Phong nói: “Mẹ cho 1.000 đồng”. Và khi chúng tôi móc tiền ra “bỏ túi” cậu, Phong nhất quyết không nhận. Hỏi ước mong gì, cậu bé bảo: “Mong sớm có trường mới để học cho đỡ nóng nực!”.
Nhà báo Phạm Ngọc Phi, Tổng Biên tập Báo Phú Yên, cho biết: “Sau bão lũ số 11, Phú Yên có 68 người chết, 1.684 ngôi nhà sập, 5.000 hộ mất trắng nhà cửa… nên rất khó khăn. Sự giúp đỡ quý báu của Báo SGGP và Công ty Ace Life, Công ty Phú Mỹ Hưng, đã vực dậy tinh thần bà con Xuân Lâm, giúp các cháu học sinh vốn khó khăn, sớm ổn định học tập”.
Tháng 7-2010, cùng với chính quyền xã Xuân Lâm và Báo Phú Yên, Báo SGGP, Công ty Ace Life, Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ cùng tổ chức lễ khánh thành Trường Tiểu học Xuân Lâm và Trường Mẫu giáo Xuân Lâm. Như vậy trong năm học mới, các em học sinh sẽ không còn phải học tạm bợ.
MINH ANH