Học thêm và “hội chứng cổ rùa”

Kim Ki-hoon đang trở thành một hiện tượng trong giới gia sư Hàn Quốc. Thầy giáo dạy tiếng Anh này là một trong những người có thu nhập cao nhất trong giới gia sư xứ Kim chi. Năm ngoái, các bài giảng trực tuyến đem về cho Kim 4 triệu USD, trong khi con số này đến từ công ty xuất bản giáo dục của Kim là 10 triệu USD. Thầy giáo Kim cho biết trong 12 năm qua, khoảng 1,5 triệu người Hàn Quốc đã tham gia vào các lớp học của anh.

Thu nhập của thầy Kim chỉ là con số nhỏ trong tổng số 20 tỷ USD mà người Hàn Quốc chi cho học thêm hàng năm. Tuy nhiên, Kim lại không thực sự hài lòng với nền giáo dục hiện nay của Hàn Quốc. Đang tồn tại một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Hàn Quốc về hệ thống giáo dục nước này, mà cụ thể là việc dạy thêm và học thêm trực tuyến. Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Giáo dục Anh từng ca ngợi Hàn Quốc là mô hình giáo dục kiểu mới, đáng phải học hỏi thì nhiều người dân Hàn Quốc lại chỉ ra những mặt tiêu cực của nền giáo dục nước này.

Đầu tiên, rất nhiều học sinh vùi đầu vào sách vở từ sáng đến tối mịt, có rất ít hoặc thậm chí không có thời gian để giải trí, thư giãn. Năm 2013, một nghiên cứu về học sinh tại quận nhà giàu Seocho-gu ở thủ đô Seoul chỉ ra rằng cứ 7 học sinh thì có 1 em bị cong cột sống. Tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với 10 năm trước. Ít nhất 3/4 học sinh trung học tại Seoul bị cận thị và ngày càng có nhiều trẻ mắc “hội chứng cổ rùa” (đầu không giữ thẳng mà hướng ra phía trước như đầu rùa).

Tiếp theo, đó là sự ảnh hưởng đến kinh tế trong nước khi học thêm chiếm khoảng 12% trong tổng chi phí của gia đình. Cuối cùng, việc đua nhau học để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn là nguyên nhân khiến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Để khắc phục, Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra hàng loạt biện pháp để kiểm soát tình trạng dạy thêm. Những gia sư hiện bị cấm dạy sau 22 giờ; các thanh tra giáo dục được quyền kiểm tra không báo trước với bất kỳ gia sư nào. Giá tiền dạy theo giờ cũng bị giới hạn và một quy định mới nhất là cấm các gia sư dạy trước chương trình, bài học khi chưa được dạy ở trường.

Tuy nhiên, các quy định mới ban hành vấp phải sự phản đối của không ít các chuyên gia giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng nhờ có dạy thêm, học thêm mà học sinh Hàn Quốc mới có kết quả học tập tốt. Họ dẫn kết quả kiểm tra chương trình PISA của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2012 dành cho học sinh 15 tuổi ở 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 5 về toán và đọc viết, vị trí thứ 7 về khoa học. Họ lập luận rằng chính hệ thống giáo dục này đã giúp Hàn Quốc trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển. Năm 1945, Hàn Quốc còn ở trong nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới với tỷ lệ người biết chữ ở mức 22%. Nhưng giờ đây, nhờ giáo dục tốt, nền kinh tế Hàn Quốc đứng thứ 12 trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng cách giáo dục của Hàn Quốc không giúp học sinh có nhiều trải nghiệm thực tiễn. Ví dụ như tất cả học sinh Hàn Quốc đều học tiếng Anh trong hơn 10 năm nhưng đa phần người dân Hàn Quốc lại không nói được tiếng Anh.

VĂN ĐỖ

Tin cùng chuyên mục