Tuy nhiên, học sinh ở những vùng nông thôn vẫn thực sự chịu thiệt thòi trong môn học này. Điều đó không chỉ thể hiện qua kết quả thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia hàng năm mà còn thể hiện ngay cả trong việc học của nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Em Lê Quang Dũng, Trường THPT chuyên Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa), người đạt điểm số cao thứ 2 trong 4 HCV Toán quốc tế của đoàn Việt Nam năm 2017 thú thật, khi tham gia đội tuyển, em dành ít thời gian cho tiếng Anh nên khi sang nước ngoài tham gia thi, em đã không giao tiếp được nhiều với các bạn từ các quốc gia khác. Hay em Đỗ Văn Quyết, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) - HCB Olympic Toán quốc tế năm 2017 cũng chia sẻ, khi gặp các bạn quốc tế em rất quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và giao tiếp với các bạn, nhưng vì vốn tiếng Anh chưa tốt nên em còn khá rụt rè và ngại ngùng. Sau cuộc thi, Quyết tự nhủ tập trung hơn về tiếng Anh để không bỏ lỡ những cơ hội được giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế cũng như được lựa chọn các cơ hội.
Em Đinh Anh Dũng, Trường THPT chuyên Amsterdam - HCV Vật lý quốc tế 2017 cũng thừa nhận, tấm HCV giúp em rất nhiều trong quá trình xin học bổng du học. Nhưng do chưa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như cần phải trau dồi thêm vốn tiếng Anh nên em vẫn tạm thời chưa có được học bổng du học nước ngoài. Đó cũng là lý do mà em Tạ Bá Dũng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, HCV Vật lý quốc tế 2017 đã cố gắng dành thời gian học tiếng Anh 1 đến 2 giờ mỗi ngày trong khi học đội tuyển, và sau khi kết thúc Olympic quốc tế, em đã tập trung học tiếng Anh trong vòng 2 tháng. Điểm thi gần đây nhất của em là 106 TOEFL, 1450 SAT…
Thực tế, phần lớn các em đoạt huy chương Olympic quốc tế đều chưa đủ trình độ tiếng Anh để xin học bổng du học. Đa số các em lựa chọn học đại học trong nước 1 - năm, trong thời gian đó trau dồi thêm tiếng Anh để đủ điều kiện xin học bổng du học. PGS-TS Lê Anh Vinh- Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng đoàn Olympic Toán học quốc tế 2017 của Việt Nam chia sẻ, học sinh Việt Nam nói chung, các em học sinh giỏi quốc tế nói riêng còn hạn chế về tiếng Anh. “Sau khi thi quốc tế và giành huy chương thì các em định hướng như thế nào? Hầu hết các em đều có chung mục tiêu đi du học. Cách đây 16 năm, thi xong Toán quốc tế tôi cũng đặt mục tiêu du học”, PGS Lê Anh Vinh cho biết. Thực tế, đến nay, các em học sinh đoạt huy chương thi toán quốc tế các năm 2013, 2014 đều đi du học. “Tại sao phải đi du học? Đây là lựa chọn hiển nhiên của các em, vì đó là cơ hội để trải nghiệm văn hóa, trang bị kiến thức cũng như mở rộng cánh cửa tương lai của những người tài. Để chuẩn bị du học ở Mỹ thường các em mất 2 năm, những nước khác thì thời gian ngắn hơn. Và tiếng Anh là hành trang không thể thiếu của các em, thậm chí đỏi hỏi các em phải giỏi tiếng Anh”, thầy Vinh khuyến nghị.
Theo thầy Vinh, cần đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh cho học sinh nói chung, nhất là những em có khả năng đi du học thì càng phải chú trọng điều này từ sớm. “Phải luôn tận dụng cơ hội để bứt lên về tiếng Anh nhằm có cơ hội cho tương lai”, thầy Vinh khuyên. Nhưng theo thầy, học tiếng Anh không phải là để chỉ đi du học, nếu học như thế sẽ mệt mỏi, mà phải coi đó là công cụ của cả cuộc đời. “Trong giai đoạn hiện nay, không biết tiếng Anh cũng như mù chữ. Hãy học tiếng Anh một cách tự nhiên, là công cụ của cuộc sống. Phải đặt ra mục tiêu tăng trình độ tiếng Anh trong từng giai đoạn, đừng sợ khó, đừng kêu khó. Học Toán 10 có thể dùng 1, nhưng học tiếng Anh là học 1 dùng 10. Học là để sử dụng”, thầy Vinh nói.
Vừa qua, khi Học viện IvyPrep Education trao học bổng học tiếng Anh trị giá hàng tỷ đồng cho các học sinh đạt huy chương Olympic Toán, Lý, Hóa năm 2017 để giúp các em học tốt tiếng Anh, chuẩn bị sẵn sàng cho các em có cơ hội giành học bổng du học, PGS Lê Anh Vinh đã thành thật khuyên các em: Đừng coi học bổng tiếng Anh chỉ để thi chứng chỉ! “Các em đoạt giải Olympic quốc tế đều là những tài năng trong lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều em trong tình trạng kiến thức lệch. Để có thể du học học bổng tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, các em cần nỗ lực hoàn thiện nhiều hơn nữa, đặc biệt là Anh ngữ học thuật, phát triển kỹ năng mềm như: kỹ năng phản biện, thuyết trình, tư duy toàn cầu, khả năng hội nhập với nền văn hóa đa dạng như Mỹ”, thầy Vinh khuyến cáo.