Học văn thế này ư?

Con tôi năm nay lên lớp 7, học tại một trường THCS. Ngay khi cháu còn học lớp 6, tôi vô cùng thắc mắc về việc dạy và học môn Văn trong trường. Mỗi khi có bài tập làm văn, thường cô giáo cho 2 đề và các cháu được mang về nhà làm trước ra giấy, học thuộc lòng.

Đến giờ kiểm tra tập làm văn, cô giáo sẽ cho ra 1 trong 2 đề đã báo trước hoặc chọn đề theo cách số chẵn, số lẻ hoặc theo số thứ tự của học sinh. Và thế là, các em cứ cong lưng lên mà viết những gì đã thuộc lòng. Bản thân tôi cứ nghĩ đơn giản, chắc cách dạy thế này chỉ là cá biệt, chứ dạy và học văn, ai lại làm thế…

Năm nay cháu lên lớp 7, kiểu dạy tập làm văn nói trên lại lặp lại, hỏi phụ huynh vài lớp khác, cũng chẳng ai ngạc nhiên và xa lạ với cách dạy như vậy. Chẳng lẽ cái sai để lâu thành đúng? Khổ nỗi, môn văn của chương trình lớp 7 khá nặng, mỗi tuần có đến 5 tiết, ngoài tập làm văn, các cháu còn phải học tiếng Việt… Chưa đến học kỳ 1 mà cháu phải soạn 6 đề bài tập làm văn để làm kiểm tra cho bài tập làm văn số 1, 2 và 3.

Đó là chưa kể phải làm 2 bài kiểm tra 1 tiết môn tiếng Việt. Môn Văn sao như gánh nặng đè lên vai trẻ… Tội nghiệp hơn, hôm rồi, sau khi làm bài tập làm văn số 3, con tôi thở phào, khoe: “Cô giáo nói phải viết từ 3 trang trở lên, ai viết dưới 3 trang, cô không chấm điểm, con ráng ráng cũng được 3 trang”.

Có thể đây là trường hợp cá biệt nhưng cứ dạy như thế này thì quả là giết chết môn văn. Ai cũng biết, học văn để cảm thụ cái hay, cái đẹp trong từng tác phẩm, qua đó để học cách làm người, là quá trình hình thành và rèn luyện những lý tưởng sống cao đẹp cho các em.

Tôi nhớ, khi còn đi học - trước và sau khi miền Nam được giải phóng và cả trong thời kỳ bao cấp - giờ tập làm văn là giờ để học sinh động não, suy nghĩ những gì đã học, sắp xếp và diễn đạt ý tứ theo cách mình hiểu, mình nghĩ. Bài văn tốt là bài văn mạch lạc, không dài, lê thê, lạc đề. Bài văn hay là bài có nhiều ý tưởng mới, muốn vậy, học sinh phải tự học thêm qua sách vở.

Còn bây giờ, viết dài dường như trở thành tiêu chuẩn đầu tiên để… chấm điểm, chưa kể đề trong sách giáo khoa cũng là “bài giải” có sẵn trong nhiều sách văn mẫu. Cái “được” của lối dạy văn này là điểm làm bài của học sinh sẽ rất đẹp, chí ít cũng đồng đều nhưng bi kịch ở chỗ các em chỉ biết học thuộc lòng và chép lại những gì mình nhớ, mình thuộc chứ không khuyến khích tư duy độc lập.

 Đến khi tách các cháu ra khỏi những gì thuộc lòng hoặc lên lớp cao hơn, hậu quả sẽ bộc lộ: viết lủng củng, sai ngữ pháp và không diễn tả nổi điều mình suy nghĩ. Phải chăng, những chuyện cười ra nước mắt từ các bài làm văn tốt nghiệp PTTH bắt nguồn từ đây?

Chương trình nặng, bài làm nhiều, tránh bị giáo viên rầy là “làm theo văn mẫu”, nhiều phụ huynh phải chọn giải pháp “mềm”: cho con học thêm thầy cô giáo để mong có những điểm số an toàn. Lại là một sự lệch lạc.

Qua câu chuyện này, mong rằng ngành giáo dục TP cần có chủ trương và thái độ đúng đắn trước cách dạy và học văn kiểu “vẹt” như trên. Nên tôn trọng những ý tưởng của các em - thể hiện mức cảm thụ văn học và là điều không có trong văn mẫu.  Làm sao biến giờ tập làm văn thành giờ các em yêu thích, giờ được nói lên những suy nghĩ của mình qua những gì đã được học, được dạy, được quan sát trong cuộc sống…

Cát Tường

Tin cùng chuyên mục