Theo tờ Wall Street Journal, trong lúc còn đang rối bời về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), khối này lại phải hồi hộp ngóng chờ sự kiện chính trị từ Italia.
Theo đó, ngày 4-12 tới, đất nước hình chiếc ủng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp được xem là mang tính bước ngoặt. Cử tri Italia sẽ nói có hoặc không với những cải cách thay đổi đáng kể kết cấu của Quốc hội nước này khi mà quyền lực của Hạ viện sẽ tăng lên, còn Thượng viện theo chiều ngược lại. Thủ tướng Italia Matteo Renzi tin rằng, việc cải cách sẽ tăng cường tính ổn định chính trị, đồng thời giúp chính phủ có thể thông qua các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế của nước này một cách dễ dàng hơn.
Ông Renzi đặt nhiều kỳ vọng vào cải cách Hiến pháp và từng tuyên bố nếu cuộc trưng cầu dân ý đi ngược lại mong muốn cải cách của chính phủ, ông sẽ từ chức. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Thủ tướng Italia đang gặp khó do nhiều ý kiến phản đối, chống lại Hiến pháp mà ông đang thúc đẩy để được thông qua. Nếu ông Renzi thất bại, một thời kỳ bất ổn sẽ đến với Italia. Đầu tiên, việc Hiến pháp không thông qua sẽ được các thị trường giải thích rằng Rome không đủ năng lực cải cách, làm gia tăng nghi ngờ về khả năng Italia không thể phục hồi tăng trưởng, dẫn đến núi nợ chiếm 135% GDP của nước này khó có thể giải quyết. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư lưỡng lự hoặc thậm chí quay lưng, không muốn rót vốn vào hệ thống ngân hàng của nước này. Khi đó, các ngân hàng buộc phải đẩy những khoản thua lỗ lên đối tượng nắm giữ trái phiếu, đa số là người dân gửi tiết kiệm thông thường. Italia là nền kinh tế lớn thứ tư của châu Âu, vì thế, nếu Italia có chuyện sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế của lục địa già.
Chưa dừng lại ở đó, khủng hoảng về kinh tế sẽ dẫn đến những phản ứng dữ dội trong đời sống chính trị. Đây là điều EU đặc biệt quan ngại bởi đó sẽ là cơ hội cho những tổ chức, đảng phái chính trị như Phong trào 5 sao (luôn “khát khao” được tách khỏi EU, bài châu Âu), giành được quyền lực. Hiện đảng Dân chủ của ông Renzi đang lấn át Phong trào 5 sao nhưng có thể sẽ thay đổi nếu Thủ tướng Italia ra đi. Lên nắm quyền vào năm 2014 ở tuổi 39 và trở thành chính trị gia trẻ tuổi nhất ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Italia, ông Renzi được cả châu Âu và cử tri đất nước hình chiếc ủng kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này vượt khó. Cải cách Hiến pháp được Thủ tướng Renzi tin tưởng là liều thuốc hữu hiệu cho căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Italia. Vì vậy, ông Renzi đã đặt tất cả vào canh bạc trưng cầu dân ý. Thành công đồng nghĩa với việc cử tri Italia vẫn đặt trọn niềm tin vào vị thuyền trưởng giúp đưa con thuyền Italia qua cơn bão táp. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là tiền đề để ông Renzi và đảng Dân chủ tự tin vào một chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Còn với EU, canh bạc của ông Renzi cũng là canh bạc của khối. Phần thắng thuộc về ông Renzi trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới sẽ giúp EU bớt đi được một nỗi lo về một sự chia rẽ nữa của khối sau Brexit. Còn không, nguy cơ về một hiệu ứng domino rời bỏ khối khó tránh khỏi. Lúc này đây, cả châu Âu đang hướng về Italia.
ĐỖ CAO