Hội nghị an ninh lương thực: Sẽ thông qua kế hoạch đối phó khủng hoảng lương thực

Hôm nay, ngày 6-6, hội nghị về an ninh lương thực được tổ chức tại Rome (Italia) dự kiến sẽ bế mạc với việc các nhà lãnh đạo đứng đầu thế giới chính thức thông qua kế hoạch hành động nhằm đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao và giảm đói nghèo. Ngoài ra vấn đề về viện trợ khẩn cấp và nhiên liệu sinh học cũng được đề cập trong bản dự thảo tuyên bố của hội nghị.

Trong 2 ngày họp 4 và 5-6, các đại biểu đã kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp ở châu Phi và các nước đang phát triển, coi đây là một giải pháp để có thêm lương thực cho gần một tỷ người trên thế giới đang đối mặt với nạn đói.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria, Sayyadi Abba Ruma, cho rằng tình trạng thiếu lương thực như hiện nay là hồi chuông thức tỉnh, thúc giục châu Phi thực hiện cuộc “Cách mạng xanh” bị trì hoãn từ lâu.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick kêu gọi hủy bỏ các rào cản thương mại đang góp phần gây lạm phát giá lương thực.

Về vấn đề nhiên liệu sinh học, các đại biểu cho rằng phải tiến hành thêm những nghiên cứu sâu, rộng để phát triển sản xuất và sử dụng loại nhiên liệu này mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Viện trợ khẩn cấp cũng là vấn đề được quan tâm.

Các quan chức LHQ cho rằng mỗi năm cần có thêm gần 3 tỷ USD viện trợ để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trong khi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lại cho rằng số tiền phải từ 15 - 20 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng yêu cầu đến năm 2030 sản lượng lương thực thế giới phải tăng 50% so với hiện nay.

Tại hội nghị, Chương trình Lương thực Liên hiệp quốc (WFP) cam kết dành 1,2 tỷ USD viện trợ lương thực khẩn cấp mới. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cam kết viện trợ 1,5 tỷ USD cho việc phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo.

V.C. (Theo AFP)

Tin cùng chuyên mục