
Hơn 120 người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước trên thế giới đã tham dự Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chủ trì vào ngày 22-9. Đây là hội nghị chuyên đề của LHQ có số lượng các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự đông nhất từ trước đến nay, được xem là bước chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 tới.
Nhật Bản cam kết giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, trong khi EU cam kết giảm 30% lượng khí thải nếu các nước giàu khác cũng thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ tiêu giảm khí thải.
Dự kiến, sắp tới, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới của nước này. Ấn Độ đã lên kế hoạch sử dụng 19 tỷ USD với những mục tiêu trung hạn và dài hạn nhằm đảm bảo được ít ra 8% điện tiêu thụ bằng năng lượng mặt trời vào năm 2020.

Australia triển khai hệ thống turbine gió tại bang New South Wales để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: AFP
Trước đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã tranh cãi về việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của các nước. Vì thế, việc thay đổi thái độ một cách tích cực của hai nước này trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu được cho rằng sẽ có ảnh hưởng đến chính phủ của Tổng thống Obama trong việc cân nhắc thực hiện cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng hiệp định mới về biến đổi khí hậu sẽ làm tổng thu nhập nội địa của toàn thế giới tăng 0,8% và tạo thêm được hơn 10 triệu việc làm mới nếu các nước đang phát triển tham gia.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng kêu gọi các nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới nhóm họp vào giữa tháng 11 để chuẩn bị cho hội nghị Copenhagen diễn ra ngay sau đó.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết các nhà khoa học thuộc tổ chức này đã đưa ra kết luận về việc loài người chỉ còn 10 năm để có thể thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu của thế giới. Nếu thất bại, chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiên tai diễn ra liên tục và sự diệt vong của ngày càng nhiều loài sinh vật.
* Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu thuộc Trường Đại học Colorado Hoa Kỳ đăng trên báo Nature Geoscience ngày 20-9 cho biết, có đến 85% của 33 bình nguyên rộng lớn nhất thế giới đã bị lụt lội trầm trọng suốt thập niên vừa qua, làm hư hại 260.000km² đất canh tác, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
HÀ NHI (Theo AFP, Reuters, BBC)