Hội nghị COP 21: Thành lập các ủy ban chuyên trách

Pháp dồn hết sức, Triều Tiên quyết liệt
Hội nghị COP 21: Thành lập các ủy ban chuyên trách

Ngày 8-12, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) và nhằm thúc đẩy đạt được thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã thành lập Ủy ban Paris bao gồm 14 đại diện cho cả các nước nghèo lẫn các nước công nghiệp phát triển.

Pháp dồn hết sức, Triều Tiên quyết liệt

Nhiệm vụ của ủy ban nói trên là mỗi ngày đều có một cuộc họp với các đoàn đàm phán. Để bảo đảm tính minh bạch của đối thoại giữa các bên, những cuộc họp đó được trực tiếp phát đi trên các màn hình ở khu Le Bourget.

Ngoài ra, dưới sự chủ tọa của Ngoại trưởng Fabius, Pháp còn lập một nhóm công tác không chính thức để thúc đẩy một số hồ sơ vẫn gặp nhiều bế tắc, chủ yếu là về vấn đề tài trợ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu và đòi hỏi của các nền kinh tế chậm phát triển muốn có quyền phát thải khí carbon nhiều hơn các nước giàu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mỗi nhóm làm việc như vậy được đặt dưới sự điều hành của hai bộ trưởng đại diện cho khối các nước nghèo và khối các nước giàu. Một nỗ lực đáng kể khác của Pháp để bảo đảm văn bản cuối cùng của hội nghị sẽ được đưa ra đúng thời hạn vào cuối ngày 10-12, đó là trao trọng trách cho một ủy ban chuyên về luật pháp và ngôn ngữ nhằm bảo đảm là tất cả những văn bản chính thức được dịch chính xác sang 6 ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại LHQ.

Cùng ngày, phát biểu tại COP 21, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong thông báo nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã phát động cuộc chiến chống nạn phá rừng, thực hiện cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực chung bảo vệ môi trường toàn cầu, đồng thời đề xuất một dự án quy mô lớn, phủ xanh tất cả các diện tích núi đồi của Triều Tiên. Kế hoạch trồng cây xanh quy mô lớn này sẽ được hoàn tất trong thập kỷ tới, được coi là giải pháp hiệu quả giúp nước này giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thông qua hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng thông báo Bình Nhưỡng đặt mục tiêu giảm 37,4% tổng lượng khí thải CO2 so với mức từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Bất đồng tồn tại

Cho đến ngày 8-12, một trong các vấn đề gai góc nhất vẫn là xác định mức cam kết giữa các nước công nghiệp và đang phát triển, từ đó đưa ra mức đóng góp tài chính của từng nước. Khoản kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển vẫn cần thảo luận. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng.

Thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn do biến đổi khí hậu được xác định là xuất phát từ chính con người. Ngày 8-12, lần đầu tiên, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo về ô nhiễm không khí từ ngưỡng màu cam lên ngưỡng màu đỏ (ngưỡng cao nhất), sau khi làn khói mù mang theo mùi hăng khó chịu quay trở lại thành phố này. Theo Cục Bảo vệ môi trường thành phố Bắc Kinh, báo động đỏ có hiệu lực từ 7 giờ sáng ngày 8-12 tới 10-12. Theo đó một nửa lượng xe hơi tư nhân và 30% xe công của chính quyền không được phép lưu thông… Tham dự COP 21 lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được trông đợi sẽ có tuyên bố về hành động góp phần giảm lượng khí thải nhà kính khổng lồ mà nước này thải ra, cao gần gấp đôi lượng khí thải của Mỹ thải ra trong năm 2013 và bằng 2,5 lần của toàn Liên minh châu Âu (EU).

Đường phố ở Bắc Kinh ô nhiễm nghiêm trọng

HẠNH CHI (tổng hợp)

- Bắc Kinh lần đầu tiên báo động đỏ về ô nhiễm

Tin cùng chuyên mục