Hội nghị giao ban HĐND các tỉnh miền Đông Nam bộ lần thứ 9: Giúp dân thoát nghèo bền vững

(SGGP).-Ngày 9-9, tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước đã diễn ra Hội nghị giao ban công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố toàn khu vực miền Đông Nam bộ. Các vấn đề chính được đưa ra bàn thảo lần này gồm 2 chuyên đề: “Vai trò của Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp tỉnh khi không tổ chức HĐND cấp huyện” và “Hoạt động thẩm tra, giám sát của HĐND đối với công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN)”.

Về thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận-huyện-phường, TPHCM là địa phương đi đầu triển khai thực hiện đồng loạt trên diện rộng. Qua đó, đã có 302 cán bộ HĐND cấp quận, huyện, phường được sắp xếp, bố trí lại công việc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực kiêm Trường Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho rằng đây là một chủ trương phù hợp với đề án chính quyền đô thị của TP; được sự đồng tình và thống nhất của nhân dân và các ngành, các cấp.

Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc thực hiện thí điểm mới tổ chức tại 2 đơn vị cấp huyện (Long Điền và Côn Đảo). Theo đại biểu tỉnh này, bỏ tổ chức HĐND huyện, phường không làm thay đổi lớn hoạt động điều hành của chính quyền địa phương, nhưng ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ. Ngoài ra, khi không còn HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND cấp xã hầu hết ít được đào tạo nghiệp vụ, số ĐBHĐND cấp tỉnh hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, lực lượng các ban còn mỏng nên vai trò giám sát gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Đối với công tác XĐGN, hầu hết đại biểu HĐND các tỉnh miền Đông Nam bộ cho rằng hoạt động thẩm tra, giám sát cần tập trung rút ra những yếu tố cơ bản, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.

Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, địa phương này đã có bước đột phá, hoàn thành nhiệm vụ xóa nghèo trước 2 năm so với kế hoạch. Ngoài những giải pháp như chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, tỉnh Bình Dương đã tạo điều kiện để hộ nghèo được hưởng thụ lợi ích từ các công trình hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội như giao thông nông thôn, điện, trạm y tế, trường học, nước sạch nông thôn…

Với đặc thù của một địa phương phát triển cây công nghiệp, tỉnh Bình Phước không giám sát dàn trải mà tập trung vào kết quả thực hiện các nhóm giải pháp khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và dạy nghề gắn với việc làm trực tiếp của người dân.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, công tác thẩm tra, giám sát công tác XĐGN của HĐND đặc biệt chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Đồng có trên 21% dân số là người dân tộc thiểu số, cư trú xen kẽ ở 130 xã, phường, thị trấn vùng sâu, vùng xa. Dựa trên danh sách bình xét hộ nghèo từ buôn làng, Ban Dân tộc thực hiện khảo sát, giám sát thực tế đến tận từng nhà các hộ dân để kịp thời đưa ra các điều chỉnh, giải pháp thích hợp và kịp thời.

 Hội nghị lần thứ 10 HĐND các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. 

                    Quý Lâm

Tin cùng chuyên mục