Hội nghị lần đầu tiên của BRIC - Tăng ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới

Nhóm 4 nước BRIC (ghép chữ đầu tên tiếng Anh của 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ có cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 16-6 tại Yekaterinburg, LB Nga để khẳng định như một thực thể chính trị đang nổi lên trên thế giới.

Theo các chuyên gia, uy tín của khối này ngày càng gia tăng, cũng như tiếng nói của họ sẽ giành được nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Năm 2001, tập đoàn đầu tư chứng khoán lớn của Mỹ Goldman Sachs dự báo 4 nền kinh tế lớn này sẽ vượt qua mặt tất cả cường quốc hiện nay như Mỹ và EU vào giữa thế kỷ 21.

Tại hội nghị, dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dimitri Medvedev, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ thảo luận về khủng hoảng kinh tế cũng như về cải tổ các định chế quốc tế.

Tuy BRIC chưa phải là một tổ chức và Hội nghị thượng đỉnh tại Yekaterinburg chỉ là một diễn đàn đối thoại cho 4 quốc gia này, nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới đã thúc đẩy tiến trình hợp tác.

Một bước đi có ý nghĩa của Brazil để minh họa cho vị trí đang lên của nhóm BRIC, Tổng thống Lula da Silva đã tuyên bố nước này cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vay 10 tỷ USD.

Theo ông Lula, điều này sẽ củng cố cho vai trò của Brazil trong mục tiêu thúc đẩy cải tổ hệ thống tài chính quốc tế. Tuyên bố của ông Lula đưa ra vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương của Nga cho biết dự trù cắt giảm việc mua trái phiếu Ngân khố Mỹ.

Tiết lộ của Mátxcơva đã tức khắc khiến trị giá đồng USD tụt giảm. Điều chắc chắn là hiện nay 3 nước Nga, Trung Quốc và Brazil đang triển khai kế hoạch đa dạng hóa các khoản dự trữ ngoại tệ.

Thay vì giữ các khoản dự trữ bằng USD, 3 nước này đã bắt đầu lên kế hoạch mua trái phiếu của IMF, nâng quyền rút vốn đặc biệt của IMF để chuyển sang một loại ngoại tệ mới của IMF. Trung Quốc hiện đang giữ gần 800 tỷ USD bằng trái phiếu Ngân khố Mỹ, có dự định mua khoảng 50 tỷ USD trái phiếu của IMF. Nga cũng chuẩn bị mua 10 tỷ USD.

Có thể nói rằng BRIC lo ngại thâm hụt ngân sách của Mỹ khiến cho các món nợ bằng USD sẽ gặp nhiều rủi ro. Việc sử dụng một đơn vị tiền tệ mới thay cho đồng USD, chắc chắn sẽ được BRIC thảo luận tại Yekaterinburg vào tuần tới.

Nếu xu hướng này tiếp tục lan rộng, việc phi USD hóa trong giao dịch quốc tế sẽ gia tăng và vị trí đồng USD, đơn vị tiền tệ dự trữ số một trên thế giới, sẽ bị đe dọa.

H.Quốc (Theo RFI, AFP)

Tin cùng chuyên mục