Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á - Nóng bỏng vấn đề biển Đông

Ngày 3-6, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La đã khai mạc tại Singapore. Hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình biển Đông liên tục có những căng thẳng trong thời gian gần đây.
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á - Nóng bỏng vấn đề biển Đông

Ngày 3-6, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La đã khai mạc tại Singapore. Hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình biển Đông liên tục có những căng thẳng trong thời gian gần đây.

  • Thu hẹp khoảng cách bất đồng

Tham dự Đối thoại Shangri-La 10 có đại diện từ 28 quốc gia gồm Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Quốc vụ khanh Quốc phòng, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao và các học giả. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu, tham dự hội nghị.

Ra đời từ năm 2002, đây là diễn đàn an ninh cấp cao uy tín, giải quyết được hàng loạt vấn đề tranh chấp và xây dựng các liên minh an ninh, tạo điều kiện cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Các phiên họp của hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải.

Cuộc hội đàm quân sự giữa Mỹ và Nhật tại Shangri-La.

Cuộc hội đàm quân sự giữa Mỹ và Nhật tại Shangri-La.

Trong thời điểm diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tiến hành các cuộc hội đàm với những người đồng cấp Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông Robert Gates tuyên bố, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang chuyển biến “theo chiều hướng tích cực hơn” sau những diễn biến căng thẳng mới đây giữa hai bên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để tăng cường quan hệ và phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề khu vực.

Quan hệ Mỹ-Trung thời gian qua nảy sinh mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực: chính sách kinh tế và thương mại, các vấn đề khu vực và thế giới, chính sách quốc phòng... Vụ tranh cãi mới đây nhất liên quan đến những cáo buộc cho rằng các tin tặc ở Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống thư điện tử Google và tài khoản cá nhân Gmail của hàng trăm người, trong đó có tài khoản của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố cáo buộc trên rất nghiêm trọng và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra. Hãng tin AFP nhận định, cuộc hội đàm với Nhật Bản nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng đồng minh. Còn đối với cuộc gặp với Trung Quốc là nhằm thu hẹp khoảng cách bất đồng.

  • Trung Quốc không tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển

Chủ đề liên quan đến biển Đông dự đoán sẽ được nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự. Trước thời điểm diễn ra hội nghị, phía Philippines đã lên tiếng phản đối việc các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Bộ Quốc phòng Philippines đang xem xét lại hệ thống an ninh dọc theo bờ biển của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, Bộ Quốc phòng Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về các vụ việc mới nhất xảy ra.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, Manila sẽ nộp đơn phản đối lên LHQ về một loạt vụ xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải quốc gia Đông Nam Á này. Ông Aquino cho rằng, từ hôm 25-2, Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Philippines trên biển Đông ít nhất 6 hoặc 7 lần. Theo ông Aquino, việc Trung Quốc đang tuân theo cái gọi là đường 9 đoạn đã không tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển. 

THANH HẰNG



Dư luận quan ngại tình hình biển Đông

Dư luận nước ngoài cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sẽ là chủ đề lớn được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á. Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), cho rằng những vụ việc đã và đang xảy ra cho thấy tình hình ở biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại.

Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

Cũng liên quan tới tình hình biển Đông, trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở biển Đông, ủng hộ Tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và khuyến khích các bên đạt được bộ quy tắc ứng xử đầy đủ. Người phát ngôn nói: “Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác của tất cả các bên nêu yêu cầu chủ quyền nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải mà không có sự áp đặt”.

Người phát ngôn nêu rõ, Mỹ chia sẻ với cộng đồng quốc tế một số lợi ích quốc gia tại biển Đông, bao gồm ổn định khu vực, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại không bị cản trở trong điều kiện hợp pháp.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại biển Đông, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo, các vụ đụng độ trong vùng biển tranh chấp có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Tổng thống Aquino cũng khẳng định lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần tháo gỡ căng thẳng và tập trung thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Cuộc hội thảo quốc tế “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở biển Đông” vừa tổ chức tại Jakarta khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với “Đường 9 điểm” trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế.  

P.NAM (Theo TTXVN)

- Thông tin liên quan:

>> Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á: Biển Đông cần hòa bình, ổn định

Tin cùng chuyên mục