
* Thúc đẩy thành lập khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương
Với chủ đề “Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 16, diễn ra trong hai ngày 22 và 23-11 ở thủ đô Lima (Peru), các nhà lãnh đạo APEC tập trung thảo luận những biện pháp hợp tác nhằm vượt qua những thách thức hiện nay.
Dự kiến, tuyên bố cuối cùng của hội nghị sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc phá bỏ các rào cản thương mại, cứng rắn loại trừ mọi mưu toan bảo hộ trong thời khủng hoảng. Các nguyên thủ quốc gia cũng phát đi lời kêu gọi khởi động lại vòng đàm phán thương mại Doha; đối phó với tăng giá lương thực và hàng hóa, biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp...
Cũng tại hội nghị lần này, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận dự án thành lập khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, một thỏa thuận giữa các nước thành viên cho phép củng cố tính vững bền của các hiệp định song phương đang hiện hành trong khu vực. Mục tiêu APEC đề ra là đạt được kết quả vào năm 2010 đối với các nước phát triển và đến năm 2020 với những nước còn lại.
Trước thềm Hội nghị APEC cũng đã diễn ra những cuộc gặp bên lề, đáng chú ý là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và ông Liên Chiến, Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng cầm quyền ở lãnh thổ Đài Loan, đại diện cấp cao của hòn đảo này tham dự APEC. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất diễn ra ở hải ngoại giữa hai bên kể từ năm 1949.
Được thành lập năm 1989 với mục tiêu khuyến khích tự do trao đổi mậu dịch trên thế giới, khối APEC bao gồm một thị trường 2,6 tỷ người, tương đương 41% dân số thế giới, chiếm 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 47% thương mại thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội kiến với Tổng thống Peru Alan Garcia tại tòa nhà chính phủ ở Lima.
V.Khuê (Theo RFI, TTXVN)