Trì hoãn bất lợi
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã hối thúc các lãnh đạo EU cho phép Anh trì hoãn tiến trình này trong vòng 1 năm. Theo ông, dù Thủ tướng Anh Theresa May chỉ đề xuất hoãn Brexit đến ngày 30-6, song những diễn biến gần đây trên chính trường Anh cho thấy rất ít lý do để tin rằng Hạ viện Anh sẽ thông qua thỏa thuận.
Trong thư mời lãnh đạo EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường về Brexit, ông Donald Tusk cho rằng cần phải thảo luận về một sự gia hạn khác, kéo dài hơn. Ông đề xuất kịch bản gia hạn linh hoạt, cho phép Anh có thể rời khối này bất kỳ lúc nào trong vòng 1 năm ngay khi Hạ viện nước này thông qua Brexit. Việc gia hạn linh hoạt này cũng cho phép nước Anh suy nghĩ lại về chiến lược Brexit của mình trong bối cảnh bế tắc tại Hạ viện hiện nay. Tuy nhiên, ông Donald Tusk cũng khẳng định bất kỳ sự gia hạn nào cũng cần phải có những điều kiện nghiêm ngặt, như không mở lại đàm phán thỏa thuận rút gần 600 trang đã được Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU ký kết hồi tháng 11-2018 cũng như cam kết từ London rằng vẫn sẽ hợp tác chân thành với EU trong quá trình gia hạn Brexit. Trong khi đó, một số nghị sĩ thuộc phái hoài nghi châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các nhà lãnh đạo EU rằng nếu EU buộc Anh kéo dài thời hạn Brexit thì họ sẽ nhận được lại thái độ bất hợp tác từ phía Anh.
Nội bộ mất kiểm soát
Khoảng 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống đối đề xuất xin lùi thời hạn Brexit, trong khi 80 nghị sĩ đảng Bảo thủ khác đã bỏ phiếu trắng. Tình trạng trên cho thấy sự mất kiểm soát gia tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Trong khi chỉ có 31% số phiếu ủng hộ đến từ 131 nghị sĩ đảng Bảo thủ, Thủ tướng Theresa May lại nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ Công đảng và các đảng đối lập khác.
Những nghị sĩ ủng hộ Brexit cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy bà Theresa May có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ của đảng Bảo thủ về việc theo đuổi bất cứ thỏa thuận Brexit mềm nào, trong đó bao gồm một liên minh thuế quan. Điều này sẽ khiến thỏa thuận Brexit mềm sẽ không thể có được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện bởi hiện ít nhất có 100 nghị sĩ Công đảng và các đảng đối lập khác đang đòi trưng cầu ý dân đối với bất cứ thỏa thuận Brexit nào.
Tất cả các dấu hiệu hiện nay cho thấy các lãnh đạo EU sẽ ép bà Theresa May phải chấp nhận việc gia hạn Brexit với một thời hạn dài hơn bà đề xuất, có thể lên tới 1 năm. Theo nguồn tin từ nội các, việc London theo đuổi đàm phán thỏa hiệp với Công đảng càng khiến chính phủ mâu thuẫn với các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội, dẫn đến tương lai của Thủ tướng May sẽ bấp bênh.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã phối hợp Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các cơ quan hữu quan khác chuẩn bị cho kịch bản Anh sẽ rời EU mà không có một thỏa thuận. Trong báo cáo đánh giá tại cuộc họp mùa xuân với Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố trước khi thời điểm Brexit diễn ra, IMF đã cảnh báo về một giai đoạn trì trệ thương mại trầm trọng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn do tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận. Trong tình huống xấu nhất, IMF cho rằng một sự hỗn loạn giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của mình có thể sẽ gây ra một sự đổ vỡ, thậm chí làm gia tăng chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp và cổ đông ở Anh. IMF dự báo tình trạng trì trệ thương mại do kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 1,4% trong năm đầu tiên và giảm 0,8% trong năm tiếp theo.