Hội nghị thượng đỉnh EU: Căng thẳng vì vụ Mỹ nghe lén điện thoại

Nghe lén điện thoại 35 lãnh đạo nước ngoài
Hội nghị thượng đỉnh EU: Căng thẳng vì vụ Mỹ nghe lén điện thoại

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc ngày 25-10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) diễn ra trong không khí căng thẳng sau những tiết lộ về việc Mỹ do thám các đồng minh truyền thống, đặc biệt là vụ Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bị nghe lén điện thoại mọi lúc mọi nơi (Ảnh minh họa của CNN).

Thủ tướng Đức Angela Merkel bị nghe lén điện thoại mọi lúc mọi nơi (Ảnh minh họa của CNN).

Nghe lén điện thoại 35 lãnh đạo nước ngoài

Các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí ra tuyên bố đề cập tới quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận. Tuyên bố của hội nghị nêu rõ: “Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề tình báo tiềm tàng, cũng như những quan ngại sâu sắc của các công dân châu Âu về các sự vụ này... Họ nhấn mạnh việc thu thập tình báo là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này tác động đến quan hệ trong nội bộ các nước châu Âu cũng như trong quan hệ với Mỹ. Sự thiếu lòng tin có thể gây phương hại sự hợp tác cần thiết trong lĩnh vực thu thập tin tình báo”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết lãnh đạo các nước thành viên EU đều ủng hộ quan điểm của Đức và Pháp tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương với Mỹ nhằm giải quyết rõ ràng vấn đề đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước. Theo ông Rompuy, nhiều nước khác có thể tham gia với Đức và Pháp tìm kiếm một thỏa thuận sơ bộ trong lĩnh vực dịch vụ bí mật. Ông cho rằng những quy định mới về các mối “quan hệ tương hỗ” trong lĩnh vực tình báo cần phải tạo dựng lòng tin nhằm đảm bảo rằng những sự việc đáng tiếc không tái diễn trong tương lai.

Ngoài Đức, Pháp, nhiều nước châu Âu như Bỉ, Phần Lan, Malta và một số nước khác đều cho rằng Washington cần đưa ra lời giải thích và châu Âu cần có một lập trường chung để bảo vệ công dân của mình. Bà Merkel đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Pháp Francois Hollande để thảo luận về cách thức phối hợp phản ứng chung trước những thông tin rò rỉ về việc bị Washington nghe lén điện thoại cá nhân. Thủ tướng Italy Enrico Letta tuyên bố: “Chúng tôi muốn sự thật về vấn đề này”.

Cùng lúc này trang mạng của nhật báo Guardian (Anh) tiết lộ một tài liệu mật của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cho biết Mỹ đã nghe lén các cuộc điện thoại của ít nhất 35 nhà lãnh đạo nước ngoài. Theo một giác thư mật đề tháng 10-2006 được báo trên tiết lộ, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã phối hợp chặt chẽ với Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ để có được số điện thoại của các chính trị gia nước ngoài hàng đầu. Tài liệu cho biết một quan chức Mỹ đã cung cấp hơn 200 số điện thoại, trong đó có số điện thoại của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Tuy nhiên, tài liệu không nêu tên các chính trị gia nước ngoài bị do thám. Tờ Guardian còn dẫn thông báo nội bộ của NSA cho biết việc theo dõi không được tiến hành riêng rẽ, mà cơ quan này định kỳ theo dõi số điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới.

Đe dọa thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương

Châu Âu và Mỹ đang trong tiến trình thảo luận nhằm tiến tới một Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Tuy nhiên, nghi án nghe lén điện thoại của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, xảy ra đúng giai đoạn nhạy cảm, đang đe dọa phá hỏng thỏa thuận thương mại này.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã đề xuất tạm hoãn các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận nói trên để tránh các quyết định sai lầm, trong khi các nghị sĩ châu Âu yêu cầu đình chỉ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu ngân hàng giữa Mỹ và EU để chống khủng bố nhằm phản ứng việc NSA tiếp cận dữ liệu ngân hàng của công dân châu Âu lưu trữ trong hệ thống chuyển tiền SWIFT. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có cùng đưa ra một phản ứng chung đối với vụ bê bối này hay không. Nhiều nước, đặc biệt là Anh - với các mối quan hệ tình báo chặt chẽ với Mỹ và Tây Ban Nha coi do thám là một khía cạnh của lợi ích quốc gia và không thuộc thẩm quyền của liên minh.

Ủy viên EU phụ trách Tư pháp Viviane Reding khẳng định EU và Mỹ khó có thể đạt được những dự án lịch sử như FTA khi hai bên không có lòng tin lẫn nhau. Bà cũng kêu gọi cần có biện pháp mạnh mẽ và thống nhất trong EU với vấn đề an ninh dữ liệu. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz thậm chí yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về FTA với Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh nếu thông tin Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà là đúng, điều này sẽ phủ bóng lên quan hệ Berlin - Washington, đồng thời kêu gọi hai bên cần gây dựng lại lòng tin sau vụ việc này. Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Sigmar Gabriel, đối tác đàm phán liên minh cầm quyền với liên đảng bảo thủ của bà Merkel, cũng khẳng định EU không thể ký kết FTA với quốc gia xâm phạm quyền tự do công dân của mình.

Theo chuyên gia kinh tế Josef Braml thuộc Tổ chức Chính sách đối ngoại Đức, lý do Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel xuất phát từ vấn đề kinh tế. Theo ông, đây là dấu hiệu chứng tỏ nguy cơ cạnh tranh giữa Mỹ và Đức trong các vấn đề kinh tế và tiền tệ đã bắt đầu khi Berlin ngày càng chứng tỏ khả năng chi phối của mình trong EU và các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục