Hội nghị Thượng đỉnh G20: Định hình một thế giới kết nối

Trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về chính trị, an ninh và kinh tế quốc tế, Hội nghị G20 năm nay đặt ra chủ đề chính là định hình một thế giới kết nối.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quốc tế frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quốc tế frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức
Trong hai ngày 7 và 8-6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) diễn ra tại tại Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức), trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về chính trị, an ninh và kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, Hội nghị G20 năm nay đặt ra chủ đề chính là định hình một thế giới kết nối. 
Từ kinh tế, khủng bố 
Cộng hòa Liên bang Đức huy động hơn 20.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho Hội nghị G20. Đối với Đức, vấn đề chống khủng bố cũng đang được xem là chủ đề nóng tại Hội nghị G20 mà theo giới chuyên gia, G20 sẽ đạt đồng thuận về vấn đề chống khủng bố quốc tế tại hội nghị này. Thủ tướng Đức Angela Merkel có kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 6-7, trước thềm Hội nghị G20. Theo hãng truyền thông RND của Đức, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức sẽ tập trung vào các nỗ lực chung nhằm hạn chế mối đe dọa khủng bố và đặc biệt là về việc tài trợ cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ) trong tương lai. 
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang phát triển tương đối tích cực song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi xu hướng bảo hộ, chống lại toàn cầu hóa cũng đang đặt ra những thách thức cho phát triển kinh tế. Vì vậy, theo các nguồn tin, có thể nói trọng điểm của Hội nghị G20 năm nay được chia ra 3 chủ đề chính: Tăng cường tính tự cường của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế các quốc gia; Bàn về vấn đề phát triển bền vững; Xử lý cũng như biện pháp xử lý các vấn đề của phát triển. Cả ba chủ đề này đều tập trung bàn đến những chính sách và biện pháp về xử lý.
Đến hòa bình, ổn định
Chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị G20, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo, nên nhiều khả năng Nhật Bản sẽ hối thúc G20 gia tăng sức ép với Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết muốn tận dụng cơ hội này để kêu gọi một cách mạnh mẽ sự phối hợp của cộng đồng quốc tế trong việc phản ứng với Triều Tiên. Theo kế hoạch, lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc gặp ba bên bên lề Hội nghị G20 để thảo luận vấn đề Triều Tiên.  
Ngoài ra, hãng tin CNN dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng và Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp song phương chính thức vào ngày 7-7, bên lề Hội nghị G20. Đây sẽ là cuộc gặp cá nhân đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin, đồng thời là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa tổng thống Nga - Mỹ trong gần 2 năm. Điện Kremlin tiết lộ đây không đơn thuần chỉ là tiếp xúc ngắn bên lề, mà là một cuộc họp đầy đủ. Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng thảo luận một số vấn đề chung mà cả hai cùng muốn trao đổi như Syria, Ukraine, về sự ổn định chiến lược và một số vấn đề trong quan hệ song phương.
Ngày 5-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức và tham dự Hội nghị G20 theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ, làm việc với Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Kinh tế bang Rheinland-Pfalz Volker Wissing; gặp Chủ tịch hội đồng Liên bang, Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz Malu Dreyer; gặp Chủ tịch Quốc hội bang Hessen Norbert Kartmann và gặp Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffler. 
Việt Nam xác định tham gia một cách tích cực và xây dựng vào các tiến trình của G20. Việt Nam ý thức Hội nghị G20 và APEC năm nay đối mặt với nhiều vấn đề tương đồng.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, làm việc tại thành phố Mainz, thủ phủ bang Rheinland-Pfalz và bang Hessen, Cộng hòa Liên bang Đức.

Tin cùng chuyên mục