Hội nghị thượng đỉnh G20: Tìm liều thuốc kích thích kinh tế toàn cầu

Ngày 15-11, Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc tại Brisbane, Australia, với một kế hoạch tham vọng nhằm nâng GDP toàn cầu thêm 2.000 tỷ USD.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Tìm liều thuốc kích thích kinh tế toàn cầu

Ngày 15-11, Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc tại Brisbane, Australia, với một kế hoạch tham vọng nhằm nâng GDP toàn cầu thêm 2.000 tỷ USD.

Thách thức từ kinh tế

Theo Reuters, trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của G20 tổ chức vào tháng 2, các nước đã nhất trí thực hiện 1.000 sáng kiến nhằm tăng GDP toàn cầu trong 5 năm tới thêm 2% so với mức dự báo, qua đó tạo thêm hàng triệu việc làm mới. Mục tiêu đặt ra hiện vẫn là thách thức lớn bởi hiện nay, kinh tế thế giới vẫn đang vật lộn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong thời gian tới, thế giới cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể hơn và kiểm soát một cách có trách nhiệm. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) buộc phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ 3 trong năm nay. Theo dự báo, kinh tế Nga và châu Âu sẽ không có mức tăng trưởng cao, thậm chí nhiều nền kinh tế còn có mức tăng trưởng bằng 0. Điều này gây tác động không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Brisbane dự Hội nghị G20.

Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận về chiến lược tăng trưởng bao gồm: cải cách về kinh tế vĩ mô và xây dựng cấu trúc phù hợp với từng nước; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh; tăng cường tạo việc làm. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu, như cải cách quy định tài chính, đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng, các biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu, chống tham nhũng và minh bạch hóa hệ thống ngân hàng cũng như đẩy mạnh chống trốn thuế ở các tập đoàn đa quốc gia.

Căng thẳng vì Ukraine?

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhóm G20 tập trung vào những điểm nóng như xung đột tại Ukraine và thảo luận biện pháp phòng chống dịch Ebola trên toàn cầu. Tại Brisbane, Tổng thống Mỹ Obama sẽ thảo luận về khủng hoảng Ukraine cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron. Bạo lực vẫn nổ ra giữa phe chống đối và quân Chính phủ Ukraine, báo cáo về các đoàn vận tải vũ trang đang tiến đến từ phía biên giới Nga đã làm dấy lên lo ngại về thỏa thuận hòa bình ngày 5-9 sẽ sụp đổ. Hiện Nga vẫn phủ nhận việc gửi quân đội và xe tăng vào Ukraine.

Dự kiến tại hội nghị, một loạt nước sẽ tìm cách để chỉ trích Mátxcơva, trong khi những nước khác sẽ chỉ ra sự cần thiết phải cùng nhau hành động để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột Ukraine đã dẫn tới các lệnh trừng phạt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế của Nga và châu Âu. Châu Âu hiện vẫn đang dè dặt trước việc áp đặt lệnh trừng phạt mới sau khi Nga công nhận cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine.

Trước thời điểm diễn ra hội nghị, G20 đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt, rằng đây chỉ là một diễn đàn “nói suông” và hội nghị ở Brisbane năm nay cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Các nhà hoạt động xã hội dân sự thế giới tổ chức tuần hành tại Brisbane, yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa với biến đổi khí hậu thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp kinh tế và giải quyết xung đột.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục