Chia sẻ về cuốn sách đặc biệt này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn nói: Để dịch một bài thơ, một trường ca, hay là một tác phẩm như Truyện Kiều, không ai nói thế sẽ là đủ, là kết thúc. Các bản dịch liên tục nối tiếp nhau, mang lại giá trị khác biệt, để các văn bản đó được đối chiếu cho những người nước ngoài nghiên cứu về Truyện Kiều, về Nguyễn Du.
Bởi vậy, khi Nguyễn Bình trao đổi về việc dịch Truyện Kiều, tôi vô cùng bất ngờ, bởi lẽ, để dịch một tác phẩm như Truyện Kiều là một thách thức vô cùng lớn. Nhưng tôi động viên và tin rằng, mỗi bản dịch mang lại một chiều kích riêng, một vẻ đẹp riêng cho những người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn học Việt Nam tiếp cận.
"Để dịch được Truyện Kiều, Nguyễn Bình phải đọc nhiều sử thi bằng tiếng của các dân tộc cổ", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay. Bình cũng là người thông thạo 5 ngôn ngữ cổ của các dân tộc. 9-10 tuổi, cậu ấy đã đọc Hán tự rất giỏi.
Đó là một trí tuệ đặc biệt, quan trọng hơn tất cả những điều ấy là Nguyễn Bình yêu Truyện Kiều, yêu Nguyễn Du. Và chính Nguyễn Bình đã từng nói, Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là quá khứ, nó tiếp tục sống với hiện đại, mang vẻ đẹp của hiện đại.