Hội nhập AEC: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều

Đầu năm 2016, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, sẽ có nhiều mặt hàng tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Dưới đây là “tâm tư” của một số doanh nghiệp (DN) trước thềm hội nhập AEC.
Hội nhập AEC: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều

Đầu năm 2016, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, sẽ có nhiều mặt hàng tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Dưới đây là “tâm tư” của một số doanh nghiệp (DN) trước thềm hội nhập AEC.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn: Cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà

Hội nhập AEC: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều ảnh 1

Đối với ngành nhựa, khi Việt Nam hội nhập AEC sẽ không bị tác động nhiều ở lĩnh vực xuất khẩu, bởi ASEAN không phải là thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, khi AEC có hiệu lực, sản phẩm  nhựa Việt Nam sẽ bị cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà. Vì so với các nước trong khối AEC, DN Việt Nam chủ yếu thuộc loại hình vừa và nhỏ, năng lực tài chính lẫn quản trị doanh nghiệp chưa cao. Do vậy, làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) từ các nước ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn, họ sẽ mua lại DN Việt Nam, sử dụng lao động tại chỗ, tận dụng mạng lưới phân phối và áp dụng các mô hình quản trị để lấn át DN trong nước. Có một thực trạng đang diễn ra là rất nhiều tập đoàn Thái Lan qua đàm phán mua lại DN nhựa trong nước theo hướng mua đứt 100%. Đối tác Thái Lan đặt thẳng vấn đề một năm lợi nhuận bao nhiêu, 10 năm sau lợi nhuận bao nhiêu rồi sẵn sàng mua với giá hời. Kết quả là 4 DN đứng đầu trong ngành nhựa đã rơi vào tay những ông chủ người Thái. Như vậy, đến một lúc nào đó, sự phát triển của cả ngành nhựa Việt Nam sẽ lệ thuộc vào những ông chủ nước ngoài.

Từ trước đến nay, DN ngành nhựa chỉ tập trung vào thị trường nội địa nên hiệu quả không cao. Trước áp lực hội nhập AEC, để tồn tại, các DN cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh, xác định sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tính đến nay, Tổng Công ty Nam Thái Sơn đã xuất khẩu trên 60% sản phẩm các loại như bao bì, túi rác; hạt nhựa và màng nhựa… và rất được khách hàng ở các nước khó tính tín nhiệm.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sadaco: Cần chiến lược phát triển cho các ngành hàng thế mạnh

Hội nhập AEC: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều ảnh 2

Hai mươi năm là thành viên của ASEAN, nhưng đến nay Việt Nam vẫn là một trong những nước yếu trong khu vực, thể hiện qua nhiều mặt như kỹ năng quản lý, năng suất lao động, năng lực xuất khẩu. Cho dù kim ngạch xuất khẩu của chúng ta tăng liên tục nhưng chủ yếu là nhờ vào khu vực FDI hoặc gia công hàng hóa.

Riêng ngành hàng đồ gỗ, tại thị trường nội địa vào thời điểm này, đã có sự chào hàng mạnh mẽ từ các nước Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, nhờ mẫu mã đa dạng và giá bán cạnh tranh. Đáng lưu ý, phần lớn các DN FDI vào Việt Nam đều đã xây dựng được hệ thống phân phối rất bài bản so với việc hình thành tự phát của DN Việt Nam. Điều này đã tạo một khoảng cách rất xa về trình độ cũng như khả năng cạnh tranh trong thời gian tới. Khi hội nhập AEC, chắc chắn các DN này sẽ ào vào Việt Nam, tạo sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa trong nước.

Tôi cũng băn khoăn vì chi phí dành cho xúc tiến thương mại của nước ta quá ít, nếu không nói là thấp nhất trong khu vực. Đó là chưa kể các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa lại chưa rõ ràng, nên chưa tạo đà cho DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu Nhà nước không có chiến lược hỗ trợ, DN nội sẽ rất khó. Cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến các DN nhỏ và vừa, trong đó định hướng và tạo điều kiện cho họ “chọn bạn để chơi”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện thông tin từ hội nhập kinh tế còn rất thiếu, Nhà nước nên mở hẳn từng website đối với từng khu vực, từng FTA đã được ký kết, từ đó cập nhật kịp thời các thông tin, những mặt mạnh, yếu, năng lực, sở trường từ các nước để các DN nắm bắt. Rất cần một chiến lược phát triển tổng thể các ngành có thế mạnh của Việt Nam như đồ gỗ, may mặc, thủy hải sản…, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DN trong việc phát triển hệ thống phân phối, chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu.

Ông CAO TIẾN VỊ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn: Nâng sức cạnh tranh lên tầm khu vực

Hội nhập AEC: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều ảnh 3

Hội nhập kinh tế là xu hướng tất yếu, nên chỉ còn một con đường duy nhất là đưa sức cạnh tranh của DN lên tầm khu vực mới có thể phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, Giấy Sài Gòn đã thực hiện 2 việc chính là củng cố nội lực và tăng trưởng thị phần. Những năm gần đây, công ty đã đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, củng cố đội ngũ, chuẩn hóa hệ thống, thể hiện ở tăng hiệu suất hoạt động gấp 2 lần. Số nhân viên giảm 30% (cắt giảm từ 1.400 người năm 2012 xuống còn 1.000 người năm 2014), chi phí giảm sâu trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh (doanh số tăng 22%, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm 67 tỷ đồng, lãi biến phí tăng 131%...), đã tạo lực đẩy cho Giấy Sài Gòn phát triển.

Công ty đã đầu tư mạnh mẽ để đưa Giấy Sài Gòn cạnh tranh ngang ngửa với các DN FDI ngành giấy lớn nhất tại Việt Nam: Xét về công suất, Giấy Sài Gòn đứng đầu cả nước về giấy tiêu dùng (43.680 tấn) và thứ 2 sau VinaKraft đối với giấy công nghiệp; xét về thị phần, Giấy Sài Gòn đứng đầu thị trường với 21% thị phần. Khi nhà máy mới 120 triệu USD bắt đầu sản xuất thương mại, nguồn cung cho thị trường sẽ tăng thêm 225.000 tấn giấy công nghiệp /năm, dự kiến sau 5 năm hoạt động, sẽ đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng vào năm 2019. Với sự chuẩn bị chu đáo về nguồn lực, công nghệ, chiến lược, chúng tôi đã sẵn sàng bước vào sân chơi mới để tận dụng tốt nhất các cơ hội từ AEC mang lại.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục