Hôm nay 22-5, cử tri cả nước vào hội chọn hiền tài

TPHCM: Đảm bảo an toàn cho ngày hội
Hôm nay 22-5, cử tri cả nước vào hội chọn hiền tài

Hôm qua, không khí chào đón ngày bầu cử tưng bừng trên khắp mọi miền đất nước, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau. Hôm nay, 22-5, hơn 63 triệu cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình.

TPHCM: Đảm bảo an toàn cho ngày hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II (tháng 5-1960) tại Hà Nội. Ảnh: MAI NAM

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II (tháng 5-1960) tại Hà Nội. Ảnh: MAI NAM

Trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - tỉnh Nghệ An, trong những ngày hội lớn, trọng đại của toàn dân, tâm trạng háo hức, chờ mong không chỉ có ở những người dân tại TP Vinh và các thị xã mà còn hiện lên trên từng nét mặt của người dân các vùng nông thôn, miền núi. Ở các vùng ven biển, do trùng với mùa đi biển, lường trước việc ngư dân sẽ theo tàu ra biển đánh bắt xa bờ, dài ngày, các địa phương đã tuyên truyền vận động ngư dân tham gia bầu cử rồi mới ra khơi; vận động những tàu đang đánh bắt trên biển trong phạm vi cho phép trở về bầu cử.

Từ 7 giờ sáng, tại khu phố “Tây ba lô” trên đường Đề Thám, quận 1, TPHCM, không chỉ cử tri mà khách nước ngoài cũng rất quan tâm theo dõi ngày hội lớn của Việt Nam. Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin: Từ ngày 10 đến 25-5, quận đã yêu cầu 21 công ty thực hiện quảng cáo trên các tòa nhà cao tầng chuyển nội dung quảng cáo sang cổ động bầu cử. Đến 16 giờ hôm qua, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại địa bàn trung tâm TPHCM được hoàn tất; đặc biệt công tác an ninh được đảm bảo.

Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới ở Quảng Nam tham gia bầu cử sớm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới ở Quảng Nam tham gia bầu cử sớm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Còn tại quận Thủ Đức, ông Trương Văn Thống, Chủ tịch UBND quận, cho biết, trên địa bàn quận có chợ Nông sản thực phẩm với lượng khách vãng lai 1.500 - 2.000 người nên trong đêm 21-5, quận tiếp tục tiếp xúc với người dân và ban quản lý chợ nắm được số lượng chính xác người sẽ buôn bán qua đêm để tạo điều kiện giúp cử tri vãng lai thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, quận cũng làm việc với 7 doanh nghiệp trong KCX Linh Trung 1, 2, đề nghị cho công nhân đi làm muộn (10 giờ) hoặc nghỉ sớm (12 giờ) để tham gia bầu cử.

Tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBMTTQ quận, cho biết quận phối hợp với các doanh nghiệp, chủ nhà trọ tuyên truyền đến từng hộ, từng phòng trọ, hướng dẫn cho cử tri biết quy trình bầu cử…

Người dân TPHCM hân hoan chào đón ngày hội non sông. Ảnh: AN DUNG
Người dân TPHCM hân hoan chào đón ngày hội non sông. Ảnh: AN DUNG

Còn tại quận Bình Tân, 147 tổ bầu cử trên địa bàn đã sẵn sàng. Ở huyện Bình Chánh, đến cuối giờ chiều hôm qua, các công tác chuẩn bị tại 144 điểm bầu cử trên địa bàn đã hoàn tất và sẵn sàng cho 274.000 cử tri đi bầu. Khác với các quận nội thành, cử tri Bình Chánh ngoài việc bỏ phiếu bầu ĐBQH, ĐB HĐND TP còn bỏ phiếu bầu ĐB HĐND cấp xã – thị trấn. Cử tri sẽ bầu 518 ĐB HĐND cấp xã – thị trấn trong số 764 ứng cử viên.

Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết do đặc điểm địa hình rộng, để đảm bảo quyền lợi cho cử tri, các điểm bầu cử tổ chức thêm thùng phiếu phụ để sẵn sàng đến tận nhà những cử tri già yếu, khuyết tật thực hiện quyền công dân của mình...

Đến chiều 21-5, các quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ đã cơ bản hoàn tất công tác trang trí phòng bầu cử. Theo ông Phan Minh Phượng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cần Giờ, cơn mưa lớn chiều qua không ảnh hưởng đến công tác bầu cử và việc trang trí. Điều đáng ghi nhận là Đoàn TNCS các quận, huyện nêu trên đã có kế hoạch tham gia công tác bầu cử tại các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau, để đưa thùng phiếu phụ đến tận gia đình người bị ốm đau, già yếu.
 
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử - Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các quận – huyện trên địa bàn TPHCM.

Ông Trần Trung Dũng, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức, cho biết đối với những cử tri đang ở tại Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận cũng thực hiện theo quy định chung là sử dụng thùng phiếu phụ với số lượng 601 thùng. Với các trường ĐH đóng trên địa bàn, ông Dũng cho biết các phường đã tuyên truyền vận động sinh viên tranh thủ thời gian buổi sớm đi bỏ phiếu, làm nghĩa vụ công dân...

Đồng chí Phạm Phương Thảo đánh giá cao sự chuẩn bị khẩn trương, đảm bảo dân chủ, đúng luật và có những điểm sáng tạo ở các địa phương. Đồng chí cũng chỉ đạo các đơn vị phải chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, con người, địa điểm để tránh sự nhầm lẫn trong khâu bỏ phiếu, cần có phương án sẵn sàng để xử lý các sự cố diễn ra trong ngày bầu cử hôm nay, 22-5. Tính đến 14 giờ 30 ngày 21-5, TP có 4.775.905 cử tri.

Hà Nội: 4.772 khu vực bỏ phiếu đã được chuẩn bị chu đáo

Ngày 21-5, sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hà Nội, cho biết công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, hòm phiếu, dấu của các đơn vị bầu cử… đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày hội lớn. Các phương án đảm bảo an ninh trật tự trong ngày bầu cử đã được các đơn vị liên quan triển khai.

Rực rỡ phố phường Hà Nội đón ngày bầu cử. Ảnh: HỒNG VĨNH
Rực rỡ phố phường Hà Nội đón ngày bầu cử. Ảnh: HỒNG VĨNH

Đến cuối ngày 21-5, việc chuẩn bị các địa điểm bỏ phiếu tại Hà Nội đã hoàn tất. Trong đợt bầu cử này, Hà Nội có 4.772 khu vực bỏ phiếu. Sở Nội vụ TP Hà Nội đã bố trí một phòng thường trực tổng hợp thông tin, báo cáo từ các đơn vị bầu cử định kỳ 2 giờ/lần. Tại trụ sở HĐND, UBND TP, các thành viên Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội ứng trực sẵn sàng giải quyết công việc đột xuất ở các địa phương.

Cùng với các vùng miền trong cả nước, đồng bào 22 dân tộc của vùng quê cách mạng, thủ đô kháng chiến Tuyên Quang đang mong đợi đến giờ bỏ phiếu thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình. Tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - nơi cách đây 60 năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước, ông Ma Quang Lượng, 54 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Đồng Cột bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử sẽ lựa chọn được những đại biểu tâm huyết, có năng lực. Những năm qua, nhờ Đảng, Nhà nước, đời sống của nhân dân các xã vùng căn cứ cách mạng đã có nhiều đổi thay. Cử tri mong các đại biểu khi trúng cử sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của người dân quê hương cách mạng, nhất là đầu tư cho hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi.

ĐBSCL: Phố phường  “thay áo mới”

Ngày 21-5, ông Lê Hồng My, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Cà Mau, cho biết: Mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ở Cà Mau đã hoàn tất. Toàn tỉnh Cà Mau đã thành lập 1.292 tổ bầu cử, hơn 2 tháng trước đó, công tác tuyên truyền, vận động cử tri đi bầu cử được các ngành, các cấp phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn…

Tổ bầu cử số 2 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vượt biển kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị bầu cử tại đảo Hòn Chuối.

Tổ bầu cử số 2 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vượt biển kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị bầu cử tại đảo Hòn Chuối.

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Trà Vinh, đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp diễn ra đúng luật, đúng quy trình. Với 30% cử tri là đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh đã in ấn hơn 100.000 bản tài liệu hỏi đáp về bầu cử bằng song ngữ Việt - Khmer để giúp cử tri lựa chọn đúng người vào QH và HĐND.

Ông Thạch Bé, cử tri xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), phấn khởi nói: “Với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Đảng, Nhà nước như chương trình 134, 135, Quyết định 167, chương trình hỗ trợ vốn, giống sản xuất… đời sống đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên. Chúng tôi mong các đại biểu khi trúng cử phải đề xuất nhiều biện pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định đầu ra nông sản để nông dân an tâm sản xuất”.

Cử tri Nguyễn Văn Phước (họ đạo Công giáo xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang) gửi gắm: “Tôi mong muốn khi được đắc cử, các đại biểu chăm lo đời sống nhân dân, phát triển đường sá cho con em đi lại học hành, hỗ trợ vốn cho người nghèo làm ăn”.

Tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), TP Cần Thơ, từ khu vực trung tâm TP đến vùng ven, ngoại thành đều được trang hoàng rực rỡ sắc cờ; đường phố, xóm ấp khang trang sạch đẹp. Theo đánh giá của các ủy ban bầu cử, đến ngày 21-5, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã hoàn tất. Việc chuẩn bị cho bầu cử diễn ra đúng luật, đảm bảo các mốc thời gian theo quy định.

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có hơn 450.000 cử tri tạm trú, chiếm hơn 40% số lượng cử tri toàn tỉnh, trong đó phần lớn công nhân lao động tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp. Để tạo điều kiện tốt cho công nhân đi bầu cử, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp không tổ chức làm việc hay không tăng ca vào ngày chủ nhật 22-5 để cho công nhân đi bầu đầy đủ, đúng giờ.

Huy động giáo viên phục vụ bầu cử

Chiều 21-5, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Trị cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp tại địa phương đã hoàn tất, đảm bảo cho ngày bầu cử diễn ra an toàn, thuận lợi và thành công tốt đẹp. Hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có sáng kiến huy động 100% giáo viên đang giảng dạy tại các xã vùng sâu, vùng xa ở lại trường trong ngày bầu cử để giúp các tổ bầu cử làm nhiệm vụ; hướng dẫn người dân đi bầu cử theo quyền và nghĩa vụ công dân.

Không chạy theo thành tích

Sáng 21-5, ông Trần Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định, tỉnh quyết tâm không chạy theo thành tích, nôn nóng kết thúc sớm bầu cử như đã từng diễn ra tại một số địa phương trước đây. Mục đích không phải kết thúc sớm hay muộn mà chính là có đông đảo cử tri trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Thừa Thiên - Huế có 781.867 cử tri sẽ bỏ phiếu.

Đảm bảo khám chữa bệnh trong ngày bầu cử

Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện trực thuộc, sở y tế các tỉnh, thành phố và bộ phận y tế các bộ, ngành phải đặt công tác y tế phục vụ bầu cử lên hàng đầu, tập trung đảm bảo khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Trong đó, chú trọng một số dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1 và H1N1 và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tại các tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... công tác này càng được chuẩn bị hết sức chu đáo.  


NHÓM PHÓNG VIÊN



Ngày hội ở vùng xa

Trong không khí phấn khởi của ngày hội lớn, hôm qua 21-5, gần 21.000 cử tri của 4 huyện vùng khó khăn: Sa Thầy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong (tỉnh Kon Tum); 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (tỉnh Bình Định) và huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã náo nức đi bỏ phiếu. Đến 12 giờ cùng ngày, 100% cử tri các địa phương trên đã hoàn tất việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Ngay từ sáng sớm, trên tất cả các nẻo đường thôn, làng huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, các cử tri đến tập trung đông đủ tại các điểm bỏ phiếu để chờ khai mạc. Đúng 7 giờ, lễ khai mạc đã được tổ chức đồng loạt tại tất cả các khu vực bỏ phiếu.

Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Sa Thầy bỏ phiếu bầu cử ngày 21-5.
Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Sa Thầy bỏ phiếu bầu cử ngày 21-5.

Vinh dự là cử tri bỏ lá phiếu đầu tiên tại Tổ bầu cử số 1 - thôn Năng Nhỏ 1 và Năng Lớn 1 (xã Đăk Sao), với nét mặt tươi cười, già làng A Bin A, thôn Năng Nhỏ 1, nói: “Già mừng lắm vì được cầm lá phiếu đầu tiên khai mạc cho ngày hội lớn của xã. Giờ già chỉ mong rằng người trúng cử sẽ đại diện đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều ý kiến với Đảng và Nhà nước quan tâm tới đời sống cho đồng bào”.

Trong lần bầu cử này, xã Đăk Sao có trên 1.500 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 5 khu vực bầu cử, trong đó có gần 200 cử tri là công nhân đang thi công tại các công trình, tạm trú tại xã và các cử tri là khách vãng lai. Đến 8 giờ sáng, đã có trên 50% cử tri trong xã đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Tại xã Đăk Na, hơn 1.300 cử tri đã tập trung đi bầu cử ngay từ sáng sớm. Chỉ sau 2 giờ khai mạc, 100% cử tri đã bỏ phiếu xong.

Lần đầu tiên đi bầu cử, cử tri A Mấu, làng Mô Bành 2 (xã Đăk Na) xúc động cho biết: “Ngay từ 6 giờ sáng tôi đã có mặt tại điểm bỏ phiếu để dự lễ khai mạc và thực hiện quyền công dân. Tranh thủ đi sớm, rồi về đi làm. Mong rằng các ứng cử viên trúng cử sẽ có nhiều ý kiến đóng góp với huyện, tỉnh, trung ương; quan tâm đầu tư xây cơ sở hạ tầng, đường giao thông để bà con đi lại đỡ vất vả; hỗ trợ cây con giống cho bà con sản xuất, xóa đói giảm nghèo và tìm đầu ra cho sản phẩm…”. Đến 9 giờ sáng ngày 21-5, 100% cử tri tại chỗ của 4 xã đã thực hiện xong quyền công dân của mình. Tuy là những xã khó khăn, điều kiện giao thông đi lại khá phức tạp nhưng không khí của ngày bầu cử sớm ở huyện Tu Mơ Rông đã diễn ra rất phấn khởi, thật sự là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Còn tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đến 10 giờ 30 ngày 21-5, huyện đảo đã hoàn tất việc bỏ phiếu sớm hơn 1 ngày so với quy định, với tỷ lệ 100% số lượng cử tri đi bầu. 1.108 cử tri huyện đảo đều tin tưởng và kỳ vọng vào cuộc bầu cử thành công, trí tuệ, đổi mới.

Là một trong những công dân đầu tiên có mặt từ ngày thành lập huyện (1992), ông Vũ Trọng Lĩnh, 74 tuổi, ở tổ dân cư số 2, xúc động nói: Ngày hội non sông này với người dân ở nơi đầu sóng, ngọn gió trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Mỗi kỳ bầu cử, trong tôi lại trào dâng niềm vinh dự tự hào vì bản thân được lựa chọn ra những người ưu tú nhất, nhiệt huyết, trách nhiệm đối với nhân dân, với đất nước. Hy vọng những đại biểu trúng cử lần này sẽ đại diện cử tri tích cực tham gia đóng góp nhiều quyết sách hay vào công cuộc đổi mới và hội nhập đất nước nói chung, Hải Phòng nói riêng.

Cùng ngày, tại giàn công nghệ trung tâm số 3 (mỏ Bạch Hổ), Tổ bầu cử số 14, thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tổ chức cho 93 cử tri là cán bộ, kỹ sư, công nhân viên đang làm việc trên giàn khoan và một số giàn lân cận bỏ phiếu bầu cử sớm. Như vậy, đây là những cử tri cuối cùng thuộc diện bỏ phiếu sớm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.

Đúng 7 giờ sáng 21-5, 8 tổ bầu cử thuộc các đồn và đơn vị huấn luyện cơ động thuộc Bộ đội Biên phòng Đắc Lắc làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới huyện Ea Súp và Buôn Đôn đã tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp. Đến hơn 9 giờ sáng, 100% tổ bầu cử thuộc Bộ đội Biên phòng Đắc Lắc trên tuyến biên giới hoàn thành công tác bầu cử theo đúng quy định.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục