Hôm qua 29-1 (26 tháng chạp), do ngày cuối tuần cũng là ngày làm việc cuối cùng của hầu hết các doanh nghiệp tại TPHCM, hàng chục ngàn người đã đổ dồn về nhà ga và các bến xe để về quê đón tết khiến các bến xe, nhà ga quá tải.
Quá tải
Từ tờ mờ sáng cho đến 20 giờ ngày 29-1, tại khu vực nhà chờ của hai Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây hầu như không còn chỗ trống, hành khách và hành lý chiếm hết các lối đi. Toàn bộ các quầy vé của bến xe bán vé về các tỉnh miền Trung và miền Bắc đã quá tải.
Vừa cầm chiếc vé trên tay từ quầy vé ra, chị Trần Thị Thái, quê Quảng Bình làm việc ở Công ty Pou Yuen cho biết: “Mấy năm nay do nghỉ tết muộn và đường quá xa nên không có điều kiện về quê ăn tết cùng gia đình. Năm nay được nghỉ làm sớm, nên tôi quyết định về ăn tết cùng gia đình. Tối qua, sau khi đi làm về, tôi liền tranh thủ thu dọn đồ đạc, hành lý sẵn sàng và chờ đến 4 giờ sáng đi xe buýt ra bến xe mua vé”.
Tương tự, hành khách tập trung các quầy bán vé của Bến xe miền Tây mua vé đi về tết trong ngày rất đông khiến các quầy bán vé chật như nêm. Do nhu cầu đi về tết của hành khách trong ngày hôm qua 29-1 đông nên vào sáng sớm nhiều hãng xe thương hiệu bị cháy vé.
Nhiều hành khách do chờ lâu và nôn nóng ngậm ngùi ra ngoài đón xe dù. Từ 4 giờ sáng cho đến 22 giờ, lượng người đổ về các bến xe mua vé đông nghịt, khiến khu vực nhà chờ mua vé quá tải, còn khu vực cổng chính xảy ra ùn ứ giao thông.
Các điểm giữ xe gắn máy của bến cũng quá tải. Hành khách đi các tuyến miền Tây rất thất vọng vì không mua được vé và phải đón xe dù hoặc mua vé với giá cắt cổ, vì hầu hết các xe thương hiệu không còn vé. Giới kinh doanh vận tải cho biết vì không điều động xe quay đầu kịp nên khi có xe vào bến doanh nghiệp mới dám bán vé.
Tương tự tại ga Sài Gòn, ngay từ sáng sớm hôm qua, hàng ngàn hành khách đã đến ngồi chật cứng ở khu vực ghế chờ và bên ngoài hành lang nhà ga để chờ tàu chạy. Nhiều đoàn tàu bị trễ chuyến. Cụ thể, tàu SE2 khởi hành lúc 19 giờ đi Đà Nẵng nhưng hành khách chờ gần 1 giờ sau tàu mới khởi hành.
Không đóng tiền hành lý thì ở lại!
Lợi dụng hành khách đi lại đông, một số nhà xe đã ép đóng thêm tiền hành lý mới chịu cho khách lên xe. Đơn cử, vào khoảng 7 giờ 30, nhiều hành khách mua vé đi trên xe BKS 53S-6647, khi tập trung ở bãi để sắp xếp hành lý lên xe đã bị nhà xe Trung Nam chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội, bắt phải đóng thêm tiền mỗi va-ly 40.000 - 50.000 đồng. Hành khách nào không đóng tiền cước hành lý, nhà xe sẵn sàng trả lại vé và không cho lên xe.
Sau khi nhận được thông tin Báo SGGP cung cấp, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông trực tiếp chỉ đạo lực lượng bảo vệ và quản lý bến tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp nhà xe bắt ép hành khách trả thêm tiền hành lý.
“Hiện tại, xe đi các tuyến cố định, nhất là các tỉnh miền Bắc đã hết xe và bến đã sử dụng hệ thống xe buýt tăng cường, cũng như điều xe trái tuyến để giải tỏa hành khách. Với nhu cầu đi lại của hành khách như hiện nay, theo dự kiến trong vài ngày tới lượng khách sẽ tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, do hiện nay trên các trục tuyến đường chính như: quốc lộ 1A, 14, 51… mặt đường rất xấu, có những đoạn bị hư hỏng nặng nên việc quay đầu xe gặp rất nhiều khó khăn, thường là về chậm hơn so với thời gian xe đã đăng ký khoảng 5 - 6 tiếng đồng hồ khiến việc giải tỏa khách ở bến bị chậm. Do vậy, ngoài 130 xe buýt đã ký hợp đồng vận chuyển khách trong dịp tết, bến tiếp tục xin tăng cường thêm 70 xe buýt dự phòng để giải tỏa khách kịp thời khi xảy ra thiếu xe” - ông Nguyễn Ngọc Thừa cho biết.
QUỐC HÙNG-ĐÌNH LÝ
- Thông tin liên quan:
>> Đổi tên trên vé tàu: Vã mồ hôi