Hơn 10 hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đề nghị đối thoại với Bộ Tài nguyên và Môi trường ​

Sau nhiều lần góp ý, gửi kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), 12 hiệp hội ngành nghề tiếp tục đề nghị được đối thoại với Bộ TN-MT về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020. 
 Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một trong số các hiệp hội đề nghị được đối thoại với Bộ TN-MT
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một trong số các hiệp hội đề nghị được đối thoại với Bộ TN-MT

Nhiều doanh nghiệp đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng  Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ, ngành liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về nhiều vấn đề liên quan tới Bộ TN-MT.

Đáng chú ý có các hiệp hội: Hiệp hội Chè Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hội Lương thực thực phẩm TPHCM; Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Các nhà Sản xuất xe máy Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm châu Á; Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam.

Theo các hiệp hội, trong dự thảo mới nhất mà Bộ TN-MT trình Chính phủ để xem xét ban hành, bên cạnh một số vấn đề đã được tiếp thu, vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết. Nếu nghị định được thông qua, những quy định này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp “khẩn thiết, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT và Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc họp đối thoại với các hiệp hội để các hiệp hội có thể nêu các ý kiến chi tiết, giúp hoàn thiện dự thảo Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh”.

Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp nêu trên cũng đã có thư kiến nghị ngày 8-11-2021 đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các hiệp hội và đề nghị Văn phòng Chính phủ tổ chức đối thoại để làm rõ và giải quyết những quan ngại đã nêu xoay quanh nội dung dự thảo.

Nhiều tổ chức khác cũng có thư kiến nghị gửi tới Chính phủ ngày 20-10-2011, 4-11-2021 và 9-11-2021. Ngày 18-11-2021, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển số 2238/PC-VPCP chuyển các kiến nghị này đến Bộ TN-MT xem xét để hoàn thiện dự thảo, nhưng đến nay, các hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ TN-MT.

Theo phản ánh từ các hiệp hội, trong quá trình thẩm định dự thảo trước đó, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra nhiều quy định bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Như quy định về tham vấn chưa làm rõ trường hợp tham vấn lấy ý kiến nhưng có nhiều ý kiến không nhất trí thì xử lý thế nào. Thời gian vận hành thử nghiệm bắt buộc tối thiểu lên tới 3 tháng, gây tốn kém chi phí cho những trường hợp không cần vận hành thử nghiệm dài; quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư không phân biệt doanh nghiệp cũ và mới, khiến doanh nghiệp đã hoạt động vẫn phải di dời…

Những bất hợp lý khác còn bao gồm quy định về ghi nhãn không phù hợp với Nghị định 43/2017/NĐ-CP, không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp; lộ trình lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy không thực tế, sẽ dẫn đến các nhà máy đóng cửa hàng loạt vào 1-1-2026; vận hành quan trắc tự động rất tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng chưa rõ cơ sở khoa học đưa ra mức quan trắc tự động, đánh đồng một mức cho các loại xả thải khác nhau…

Tin cùng chuyên mục