Hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết phát triển ngành công nghiệp chế tạo

Ngày 9-3, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch Asean - Nhật Bản (AJC) tổ chức hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đẩy mạnh đầu tư hoặc liên kết với doanh nghiệp trong nước để mở rộng phát triển lĩnh vực chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ghi nhận thực tế từ năm 2022 đến nay, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm gần 54% tổng vốn FDI đăng ký.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo

Lý giải về vấn đề này, bà Lê Huyền Nga, Trưởng Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương chia sẻ thêm, việc doanh nghiệp FDI đổ mạnh đầu tư vào ngành chế biến chế tạo tại Việt Nam vì tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không ngừng cải thiện. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi năng lực sản xuất từ sản phẩm giản đơn sang cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao.

Không dừng lại đó, hành lang pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về tài chính, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất đã sát nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư ngành này sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới 2 hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%. Thực tế ghi nhận đã có 150 dự án công nghiệp hỗ trợ đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất tín dụng trên.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, dù chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp FDI để phát triển chuỗi cung ứng ngay tại thị trường nội địa. Chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Cũng theo bà Nga, trong thời gian tới, cần thiết nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Trong đó, phải phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp kết hợp hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Cuối cùng là cần có những quy định về các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục