Hơn 60% lao động ở trạng thái cân nhắc cơ hội công việc mới hoặc chủ động tìm việc

Trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành yếu tố quan trọng, không thể thay thế ở đa số lĩnh vực, rất nhiều cơ hội nghề nghiệp dành cho lực lượng lao động ngành này. 

Ngày 28-3, Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) tổ chức Hội thảo xu hướng ngành CNTT trong tương lai và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành CNTT.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 700 sinh viên chuyên ngành CNTT ở TPHCM, Vĩnh Long, Cần Thơ.

IMG_1329.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Cơ hội việc làm hấp dẫn

Với chủ đề “Đón đầu xu hướng – Vững bước tương lai”, đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT đã chia sẻ những xu hướng công nghệ mới, kiến thức, kỹ năng cần thiết để nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Theo báo cáo của TopCv Viet Nam, trong năm 2023, có khoảng 41,79% doanh nghiệp ở TPHCM và Hà Nội đạt 100% chỉ tiêu tuyển dụng, tiềm năng nhu cầu tuyển dụng ở 2 thị trường lao động chính vẫn rất lớn, tuyển dụng mở rộng ở nhiều nhóm ngành nghề.

Trong đó, ngành nghề kinh doanh bán hàng có tỷ trọng cao nhất (39,3%), tiếp đến là ngành IT - phần mềm (13,3%), Marketing - quảng cáo (12%).

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-28 lúc 13.06.43.png
Theo báo cáo của TopCV, trong năm 2024, nhóm ngành kinh doanh bán hàng, IT - phần mềm vẫn gia tăng tuyển dụng nguồn nhân lực

Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 có xu hướng tăng tỷ trọng ở các nhóm ngành “khát nhân lực”, như: Kinh doanh bán hàng, IT - phần mềm... nhằm phục vụ mục tiêu thúc đẩy kinh doanh, mở rộng sản xuất.

Hiện nay, có đến 61,1% người lao động ở trạng thái sẵn sàng cân nhắc cơ hội tìm công việc mới hoặc chủ động tìm việc, cho thấy nguồn cung lao động trên thị trường vẫn hiện hữu, nhưng có sự phân bổ khác nhau tùy nhóm ngành nghề.

IMG_1337.jpg
Bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, đại diện TopCV Viet Nam chia sẻ về thị trường tuyển dụng ngành CNTT năm 2023-2024

“Sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo ra nhiều cạnh tranh khốc liệt, những thảo luận trái chiều, quan điểm của người lao động cũng có sự đa dạng tùy thuộc nhóm ngành nghề, cấp bậc. Để thích ứng, người lao động nên trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm trong lĩnh vực của mình. Không ngừng cập nhật xu hướng ngành để tạo ra thay đổi, sáng tạo đột phá, cá nhân hóa. Không ngừng tìm hiểu AI và ứng dụng vào công việc, với mục tiêu trở thành trợ lực cho bản thân”, bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, đại diện TopCV Viet Nam cho biết.

Tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp

Ông Thái Hoàng Danh, đại diện Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển phần mềm LARION, đưa ra dự báo đến năm 2026, khoảng 80% doanh nghiệp sử dụng nhân lực ở nhóm ngành Generative AI (sáng tạo trong lĩnh vực AI) và có tốc độ tăng đáng kể so với năm 2023 (chỉ 5%).

Cyber Security And Privacy (an ninh mạng và quyền riêng tư), với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng, bảo mật và quyền riêng tư sẽ tiếp tục là một trong những xu hướng quan trọng. Nhiều công ty đang đầu tư vào giải pháp bảo mật hiệu quả để bảo vệ dữ liệu và thông tin.

Ngoài ra, xu hướng Eco Tech - giải pháp công nghệ xanh và thân thiện môi trường sẽ ngày càng được ưu tiên, chú trọng.

IMG_1355.jpg
Theo ông Thái Hoàng Danh, sinh viên mới ra trường phải đào tạo lại từ 3 - 6 tháng mới đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp

“Mỗi năm, Việt Nam có đến 16.000 sinh viên ngành CNTT ra trường, nhưng hầu như phải đào tạo lại ít nhất từ 3 - 6 tháng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có tay nghề cao chỉ chiếm khoảng 11,67%, lao động có trình độ ngoại ngữ 5%, nhân lực R&D khoảng 1,5/1000. Sự gia tăng sinh viên và chuyên gia tốt nghiệp từ các trường đào tạo CNTT đang tạo ra sự cạnh tranh việc làm khốc liệt”, ông Thái Hoàng Danh cho biết.

Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc QTSC, hy vọng thông qua hội thảo sẽ giúp sinh viên xác định được hướng phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức cần thiết để hoàn thiện bản thân, sẵn sàng trở thành những chuyên gia công nghệ trong tương lai. Về phía doanh nghiệp CNTT, hội thảo cũng là một trong những hoạt động gắn kết các cộng đồng, mang đến cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận, thấu hiểu thực trạng nguồn nhân lực mới để xây dựng những chương trình tuyển dụng hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Việc đón đầu những xu hướng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), big data, blockchain, Internet of Things (IoT)… không chỉ giúp sinh viên nắm bắt nhiều cơ hội mới mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nhà tuyển dụng lẫn người lao động.

Tin cùng chuyên mục